Chuẩn bị đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sáng 9/8, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán. Tham dự Hội nghị, ngoài 7 trường ĐH Sư phạm trọng điểm và Học viện quản lý giáo dục, còn có đội ngũ GV và CBQLCSGDPT cốt cán của 63 tỉnh thành trong cả nước. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chủ trì hội nghị.

Việc bồi dưỡng giáo viên, CBQLCSGDPT sẽ được kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Việc bồi dưỡng giáo viên, CBQLCSGDPT sẽ được kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay thế cho Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học 2020 – 2021 theo lộ trình quy định tại Thông tư 32, bắt đầu triển khai cho lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu cho các khối lớp khác trong những năm tiếp theo. Bộ GD&ĐT đã tiến hành một khối lượng công việc tương đối lớn để chuẩn bị một đội ngũ GV, CBQLCSGDPT đạt chuẩn, có đủ phẩm chất và năng lực để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Chương trình ETEP là một trong những giải pháp quan trọng trong đổi mới giáo dục do Bộ GD&ĐT chủ trì, tập trung vào việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông dựa trên nền tảng tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường với sự hỗ trợ của giảng viên các trường sư phạm, đội ngũ cốt cán trên cơ sở phát huy hệ thống học tập trực tuyến LMS – TEMIS. Qua đó, GV và CBQLCSGDPT có thể đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp mới, có thể chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục và nhu cầu đa dạng của HS phổ thông.

Có 8 trường/học viện được lựa chọn tham gia Chương trình ETEP: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Vinh, trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Học viện quản lý giáo dục.

Chương trình ETEP đã tăng cường năng lực cho các trường ĐHSP được lựa chọn và Học viện Quản lý giáo dục; hỗ trợ các trường ĐHSP chủ chốt để các trường đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu mới trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Đồng thời Chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực thể chế thông qua nghiên cứu xây dựng một số chính sách liên quan đến đào tạo GV mới, đào tạo lại và bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV&CBQLCSGDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Chương trình ETEP đã xây dựng và triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và CBQLCSGDPT thường xuyên, liên tục và tại chỗ được thực hiện thông qua hệ thống quản lý thông tin đào tạo bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) tích hợp với hệ thống quản lý học tập qua mạng (LMS) và được vận hành với đội ngũ giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt và đội ngũ giáo viên, CBQLCSGDPT chủ chốt của 63 tỉnh thành trong cả nước. Đến nay, đã có 800 giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt được lựa chọn từ 8 trường ĐH Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP và từ trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội đã được bồi dưỡng về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phát triển năng lực và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán được tham gia tập huấn, bồi dưỡng 54 mô đun liên tục trong 3 năm, từ năm 2019 – 2021. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sau đó sẽ hỗ trợ cho việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 CBQLCSGDPT, thông qua mạng internet.

Ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng, ngay từ bây giờ, các trường ĐH Sư phạm phải nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc tổ chức dạy – học cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Việc học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học với chương trình mới sẽ được tổ chức như thế nào, dạy chương trình tích hợp ra sao? Ngay cả việc tổ chức dạy lựa chọn ở chương trình phổ thông cũng phải được tính toán, nghiên cứu từ bây giờ” - ông Chuẩn nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nêu ví dụ: “Nội dung giáo dục địa phương hiện nay cũng đang triển khai thực hiện, nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì quan điểm là không dạy kiến thức mà chú trọng phát triển năng lực học sinh nên các địa phương không tránh khỏi lúng túng khi triển khai thực hiện vì mục tiêu đã khác trước”.

Chương trình ETEP đã xây dựng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và CBQLCSGDPT mới; phát triển tài liệu, học liệu tập huấn giáo viên phổ thông cốt cán, CBQLCSGDPT cốt cán và một số đối tượng liên quan; xây dựng hệ thống quản lý học tập qua mạng và hệ thống quản lý thông tin đào tạo và bồi dưỡng giáo viên…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuan-bi-doi-ngu-cho-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-4025452-v.html