Chuẩn bị hậu Brexit: Anh 'rục rịch' tăng cường đầu tư sang châu Phi

Anh muốn tăng cường quan hệ thương mại với châu Phi trong bối cảnh nước này sắp rời khỏi Liên minh châu Âu.

Anh muốn tăng cường quan hệ thương mại với lục địa châu Phi. Đây là nhận định của Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa diễn ra hôm 28/8. Tuyên bố của bà May phần nào cho thấy, Anh đang “rục rịch” tìm kiếm thị trường mới thay thế các thị trường truyền thống trong bối cảnh chỉ còn hơn 7 tháng nữa nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit).

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Politics Home

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng May cho biết, Anh sẽ cung cấp học bổng cho những sinh viên “sáng giá” của châu Phi nhằm hỗ trợ “các nhà lãnh đạo đầy tài năng của Nam Phi trong tương lai”. Bà May cũng nhấn mạnh, Anh muốn trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi trong số các nhà đầu tư của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), thậm chí vượt qua cả Mỹ bằng cách sử dụng các khoản hỗ trợ giúp doanh nghiệp Anh đầu tư vào lục địa này.

Bà May nói: “Anh từ lâu đã là nhà đầu tư lớn nhất ở Nam Phi và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực châu Phi. Như tôi đã nói, tham vọng của tôi là đưa nước Anh trở thành nhà đầu tư số 1 của G7 tại châu Phi vào năm 2022”.

Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Anh và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosađã chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại và các lĩnh vực khác giữa hai nước. Nam Phi là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước châu Phi của bà May nhằm hiện thức hóa kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi giai đoạn hậu Brexit mà bà công bố trước đó. Sau Nam Phi, Thủ tướng May sẽ có các chuyến thăm tới Nigeria để gặp gỡ tổng thống của nước này.

Bà May đã đặt mục tiêu nước Anh đến năm 2022 sẽ trở thành nước có mức đầu tư tại châu Phi cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), điều này nằm trong chương trình nghị sự thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Anh thời kỳ hậu Brexit. Theo đó, Thủ tướng Anh kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân của nước này đẩy mạnh đầu tư vào châu lục trên với mục tiêu sẽ vượt Pháp, nước đang tìm cách xây dựng vị thế tại châu Phi.

Bà May cho rằng những thách thức mà châu Phi đang đối mặt không chỉ là của riêng “Lục địa Đen”, đó cũng là mối quan tâm của thế giới đối với vấn đề tạo ra việc làm, giải quyết tận gốc rễ chủ nghĩa cực đoan và tình trạng bất ổn định, giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép và khuyến khích “tăng trưởng sạch”.

Theo đánh giá của giới phân tích, kế hoạch đầy tham vọng của bà May là có cơ sở bởi châu Phi hiện đang là một thị trường phát triển đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi hiện nay là một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn thu hút các nhà đầu tư.

Ước tính mỗi năm châu Phi cần 93 tỷ USD để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất cho sự phát triển kinh tế của châu lục. Trong khi, hiện nay, số tiền đầu tư 45 tỷ USD mỗi năm dành cho phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi là chưa đủ, và còn kém xa so với số tiền của tất cả các thị trường mới nổi. Tỷ lệ sử dụng điện tại châu Phi chỉ là 26%, so với mức trung bình là 68% ở những thị trường mới nổi khác. Đây được xem là những lĩnh vực mà Anh có thế mạnh.

Chỉ còn 7 tháng nữa, nước Anh sẽ rời “ngôi nhà chung” trong khi đến nay Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa thống nhất quan điểm về một thỏa thuận “li hôn”, đặt nước Anh đứng trước nguy cơ thiếu hụt thị trường đầu tư, khó khăn trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực khác.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã cảnh báo rằng, nếu Anh rời Liên minh châu Âu mà không đạt được một thỏa thuận, vay mượn mỗi năm của chính phủ có thể tăng thêm khoảng 80 tỷ bảng (khoảng 102 tỷ USD) trong 15 năm tới do nền kinh tế tăng trưởng trì trệ. Việc tăng cường đầu tư vào châu Phi được xem sẽ phần nào giúp nước Anh “khỏa lấp chỗ trống” hậu Brexit./.

Hồng Nhung/VOV1Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chuan-bi-hau-brexit-anh-ruc-rich-tang-cuong-dau-tu-sang-chau-phi-806104.vov