Chuẩn bị mâm cơm cúng ngày 30 Tết đúng và đầy đủ nhất

Lễ cúng chiều 30 và bữa cơm tất niên từ lâu đã là một việc không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Đây không chỉ là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình mà còn mang ý nghĩa như lời cảm tạ, tri ân của con cháu với những thế hệ đi trước vì luôn dõi theo và soi chiếu che chở cho mình.

Những năm gần đây nhiều gia đình có xu hướng làm tất niên sớm hơn, luân phiên trong vài ngày trước Tết để có thể đến được nhà nhau hoặc có kế hoạch đi du lịch.

Về cơ bản, tại gia đình vào ngày 30 Tết cần chuẩn bị hai mâm, một mâm cúng tất niên và sau đó là ăn tối, còn một mâm khác chuẩn bị cho cúng giao thừa. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Để cho giản tiện, nhiều gia đình gộp chung lễ cúng tất niên với lễ cúng giao thừa.

Mâm cúng tất niên và giao thừa là một nét văn hóa không thể thiếu trong gia đình người Việt.

Mâm cúng tất niên và giao thừa là một nét văn hóa không thể thiếu trong gia đình người Việt.

Bữa cơm ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng, như miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào...; miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua...; miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò...

Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác, tuy vậy cỗ cúng (mặn hay chay) nên đặt ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. Không nên cắm "cành vàng lá ngọc" (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) không được dùng cúng gia tiên. Đĩa/mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính, mà nên để ở hai bên.

Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa. Nhiều người hay lấy câu "miễn thành tâm là được" để ngụy biện, khi thực hiện lại chạy theo hình thức, khoe mẽ với người ngoài mà không chú trọng đến chất lượng của hoa quả để thờ cúng.

Mâm cơm tất niên thường được các gia đình Việt chuẩn bị rất công phu.

Chia sẻ với báo Lao Động, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết thêm bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Trong bữa tất niên ngày xưa, những người họ hàng còn đến dự và coi đây như một mái ấm của gia đình. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, chúng ta cần phải tôn trọng và phát huy.

TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, tùy điều kiện mỗi gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên khác nhau, nhưng phải thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên.

Điều quan trọng nhất, sau một năm tất bật, các thành viên hãy gác lại mọi lo toan, hãy tắt Internet để dành thời gian trò chuyện, quây quần trong bữa cơm đặc biệt nhất của năm – bữa cơm của sum họp, gắn kết gia đình.

Thu Hằng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/chuan-bi-mam-com-cung-ngay-30-tet-dung-va-day-du-nhat-a259159.html