Chuẩn bị tốt vụ đông xuân 2019-2020

Dù là vụ lúa trọng điểm trong năm nhưng theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), vụ đông xuân 2019-2020 sẽ sản xuất trong điều kiện khó khăn. Nguyên nhân do tình hình mưa bão, khô hạn, thiếu nước tưới, trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng.

Chú ý cơ cấu giống lúa

Năm nay, do nước lũ rút sớm nên vụ đông xuân 2019-2020 xuống giống sớm hơn. Theo khuyến cáo của Chi cục TT&BVTV, lịch xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 15 đến 25-11 (xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông sớm, vùng xả lũ và vùng sản xuất 2 vụ/năm), đợt 2 xuống giống từ ngày 12 đến 22-12-2019 (tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông đại trà). Bên cạnh đảm bảo lịch thời vụ, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương tiếp tục xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới (cơ cấu 1 giống không quá 20%); phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giới hạn lúa có gạo phẩm cấp thấp (như IR50404) không quá 20%. Tỉnh khuyến khích sản xuất theo nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp (DN) như: Lộc Trời, Tấn Vương, Gentraco, Angimex, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định tại An Giang…

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, căn cứ theo nhu cầu thị trường xuất khẩu lúa gạo năm 2020, đối với nhóm giống lúa chủ lực, đơn vị khuyến cáo tập trung vào nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM4218, OM6976, OM5451, LT1, LT18, LT604, LT605…), nhóm giống lúa thơm và lúa nếp (Đài Thơm 8, Jasmine 85, Nàng Hoa 9, nếp AG (CK92), nếp CK2003…), nhóm giống bổ sung (IR50404, OM9582, OM4900…). Chi cục TT&BVTV đề xuất nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp sản xuất tại địa phương như: Lộc Trời 7, OM9577, OM9605… “Đối với nhóm giống lúa Japonica (Hana, Kinu, Akita, Koshihikari, ĐS1…), đề nghị không sản xuất tràn lan khi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cần liên kết sản xuất với DN tiêu thụ và phù hợp với quy hoạch của từng địa phương” - ông Hiền khuyến cáo.

Áp dụng tiến bộ sản xuất

Trong diện tích lúa vụ đông xuân 2019-2020, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương tập trung khoảng 120.000ha xuống giống né rầy, gồm: 60.000ha tập trung đợt 1 (Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú và TP. Long Xuyên) và 60.000ha lúa tập trung đợt 2 (Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn). Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân phù hợp. Đối với các tiểu vùng nước rút sớm, xuống giống trước khung lịch thời vụ, cần theo dõi, quản lý dịch hại chặt chẽ. Đối với những vùng trũng, nước rút muộn cần chủ động bơm rút nước ra để xuống giống đúng lịch thời vụ. “Cần kiên quyết chỉ đạo xuống giống theo khung lịch thời vụ và thông báo xuống giống né rầy. Trên cùng 1 tiểu vùng, thời gian xuống giống không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Đồng thời, tăng cường kết nối DN uy tín tiêu thụ lúa” - ông Hiền lưu ý.

Theo Chi cục TT&BVTV, do nhiều nguyên nhân, diện tích xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 ngoài lịch né rầy còn cao (khoảng 112.000ha), đơn vị khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha, xử lý rơm rạ sau vụ thu đông 2019 để hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa đông xuân. Đồng thời, áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm để giảm lượng nước bơm tưới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ, sử dụng thuốc theo “4 đúng”… Đối với các tiểu vùng xả lũ 2019, cần cân đối lượng phân bón ngay từ đầu vụ do có lượng phù sa bồi đắp. “Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời khi mưa bão bất thường để bảo vệ năng suất lúa” - ông Hiền nhắc nhở.

Để nông dân yên tâm sản xuất, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh mời gọi, tạo điều kiện để các DN có năng lực, uy tín tiếp cận vùng sản xuất tập trung, gắn bó lâu dài với vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ lập dự án hoặc kế hoạch liên kết sản xuất để hưởng các chính sách hiện hành. Riêng đối với nếp, diện tích liên kết với DN tiêu thụ mới chỉ đạt khoảng 5%, còn lại 95% mua bán tự do. Để ổn định sản xuất nếp, cần thiết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu nếp tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để gắn kết hợp đồng tiêu thụ với DN.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuan-bi-tot-vu-dong-xuan-2019-2020-a258325.html