Chuẩn giảng viên, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo có là thách thức với CSGDĐH?

Tiêu chuẩn, tiêu chí về giảng viên, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thu hút nhiều sự quan tâm của lãnh đạo trường đại học.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được ban hành (ngày 5/2/2024) có hiệu lực từ ngày 22/3/2024 (bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học).

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Trong đó, lãnh đạo một số trường đại học quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn, tiêu chí về giảng viên, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của một số trường hiện nay ra sao?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tiêu chuẩn, tiêu chí quy định tại Thông tư 01 có hai ảnh hưởng quan trọng.

Thứ nhất, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học khiến cho các trường phải tự rà soát, bổ sung và hoàn thiện, tạo ra môi trường minh bạch về chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thông tư 01 giúp tạo khung pháp lý và đổi mới công tác quản lý theo cơ chế tự chủ đại học.

Về giảng viên, tiêu chuẩn 2 quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”. Thầy Hải cho biết, trên thực tế, tính đến năm 2023, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của trường đạt trên 30%.

Chia sẻ về con số này, thầy Hải bày tỏ: “Đây là kết quả của một chiến lược lâu dài tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh nâng cao trình độ cũng như thu hút nhân tài, trong đó, trọng tâm là tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, tạo cơ hội cho giảng viên phát huy tốt nhất năng lực giảng dạy và nghiên cứu.

Về cơ bản, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã gần đạt được các ngưỡng quy định mà tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra".

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về tỷ lệ giảng viên của trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết năm học 2022-2023, toàn trường có 37,5% tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đang làm nghiên cứu sinh dự kiến hoàn thành năm 2024 sẽ nâng tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của trường lên trên 40%.

Theo thầy Hoàn, từ năm 2015, nhà trường đã đặt ra các chỉ tiêu riêng để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo, trong đó có quan tâm đến nâng cao trình độ của giảng viên.

Từ nay cho đến năm 2025, nhà trường tiếp tục khuyến khích và phát triển đội ngũ giảng viên bằng cách tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Cụ thể, đối với giảng viên làm nghiên cứu sinh sẽ được trường hỗ trợ học phí, hưởng toàn bộ thu nhập.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã có Hội đồng Giáo sư cơ sở - là điều kiện thuận lợi để giảng viên có trình độ tiến sĩ mạnh dạn tham gia đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục thực hiện chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao ở ngoài trường với nhiều chính sách đãi ngộ.

Việc quy định tiêu chuẩn về giảng viên theo Thông tư 01 được lãnh đạo các trường đại học cho là hết sức cần thiết. Thông qua tiêu chuẩn này, các cơ sở giáo dục đại học có thể chủ động “chẩn đoán” tình hình đội ngũ giảng viên, từ đó đưa ra giải pháp cải tiến phù hợp, góp phần xây dựng và đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên.

Cùng bàn về tiêu chuẩn giảng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tính đến ngày 1/3/2024, tổng số cán bộ viên chức của trường là 543 người, trong đó, có 401 cán bộ giảng viên (03 giáo sư, 54 phó giáo sư, 206 tiến sĩ, 123 thạc sĩ), còn lại là cán bộ khối hành chính.

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của trường hiện nay chiếm tỷ lệ 65,6%. Con số này đã đạt chuẩn theo quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

“Không chỉ đã đạt yêu cầu quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tỷ lệ giảng viên này của trường còn có xu hướng tăng lên theo thời gian. Bởi, nhà trường còn có nhiều giảng viên đang làm nghiên cứu sinh tại một số nước trên thế giới theo các đề án khác nhau”, thầy Hiếu chia sẻ.

Nhiều chế độ khuyến khích để giảng viên làm nghiên cứu khoa học

Ngoài tiêu chuẩn về giảng viên, tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng nhận được nhiều chia sẻ từ lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, với tiêu chí 6.1 quy định “Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”, thầy Hải cho rằng nhà trường chưa đạt được tiêu chí này.

“Có lẽ vấn đề chung của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam là tỷ lệ nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí. Tuy nhiên, nhà trường đã thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề này trong những năm gần đây để có giải pháp thiết thực, nhằm tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, nhà trường tin tưởng rằng sẽ có thể đảm bảo tiêu chí 6.1 trong thời gian tới”, thầy Hải cho biết.

Còn với tiêu chí 6.2 quy định số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên “đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus 9cos tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm”, theo thầy Hải, năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 800 bài báo khoa học, trong đó có 570 bài báo thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (tỷ lệ số bài/năm là 0,75; và số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus là 0,53 bài/năm). Như vậy, số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên của nhà trường đã vượt so với quy định tại tiêu chí 6.2.

Chia sẻ về tiêu chí 6.2, thầy Hoàn cho biết, số giờ nghiên cứu khoa học của giảng viên tại trường có tỷ lệ hoàn thành >95%. Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính trung bình 0,7 bài/năm, riêng bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus là 0,4 bài/năm.

Từ năm 2016 đến nay, trường áp dụng quy chế thưởng 75 triệu đồng cho giảng viên khi có 1 công bố khoa học và công nghệ thuộc danh mục ISI (Q1 - tạp chí cực kỳ khó đăng bài); thưởng 50 triệu đồng cho giảng viên khi có 1 công bố khoa học và công nghệ thuộc danh mục Scopus. Với giảng viên có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước sẽ được trường hỗ trợ tiền phản biện và thưởng 2 triệu đồng/bài.

Tới đây, nhà trường vẫn giữ chính sách thưởng cho giảng viên có công bố khoa học và công nghệ. Đặc biệt, nếu bài báo khoa học có sản phẩm đăng ký sáng chế sẽ được nhà trường thưởng thêm 75 triệu đồng/bài (trước đây nhà trường cũng có sản phẩm đăng ký sáng chế nhưng còn ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay vì việc đăng ký gặp khó và tốn kém).

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có 7 viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thầy Hiếu cho biết, theo số liệu thống kê 3 năm gần đây, tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của trường vượt hơn 5% so với yêu cầu đặt ra của tiêu chí 6.1.

Còn với tiêu chí 6.2, hiện nhà trường có khoảng 440 giảng viên, theo thống kê, tổng số bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành năm 2021 là 291 bài, năm 2022 là 359 bài và năm 2023 là 302 bài. Trong đó, số lượng số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus năm 2021 là 201 bài, năm 2022 là 283 bài và năm 2023 là 250 bài.

Với các số liệu như trên, thầy Hiếu khẳng định, số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên của nhà trường đang vượt so với quy định tại tiêu chuẩn 6.2. Đặc biệt, số lượng bài báo được công bố trong danh mục thuộc Web of Science hoặc Scopus ngày càng tăng.

“Để đạt được kết quả như trên là do nhà trường luôn khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với giảng viên. Ví dụ, hàng năm, nhà trường dành gần 2 tỷ đồng để thực hiện các đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, nhà trường cũng chi trên 2 tỷ đồng để thưởng cho các giảng viên có công bố khoa học và công nghệ trên tạp chí uy tín.

Mặt khác, nhà trường cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để giảng viên thực hiện các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước (Nafosted – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia) và cấp tỉnh/thành phố.

Đối với các viện, trung tâm, nhà trường cũng tạo điều kiện để các trung tâm có cơ chế tự chủ tài chính, thực hiện các hợp đồng trực tiếp để giảm thiểu thời gian làm thủ tục hành chính”, thầy Hiếu chia sẻ.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuan-giang-vien-nghien-cuu-va-doi-moi-sang-tao-co-la-thach-thuc-voi-csgddh-post241749.gd