Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân chủng và quân đội

QĐND - Trong chặng đường 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã đào tạo được hơn 5 vạn cán bộ cho Quân đội ta và hàng trăm sĩ quan cho nước bạn Lào, Cam-pu-chia; xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

QĐND - Trong chặng đường 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã đào tạo được hơn 5 vạn cán bộ cho Quân đội ta và hàng trăm sĩ quan cho nước bạn Lào, Cam-pu-chia; xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2011), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện PK-KQ. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên (PV): Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí có thể khái quát một số nét chính về đội ngũ giảng viên của Học viện?

Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên của học viện luôn chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, lập được nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập và xây dựng học viện. Có đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng chí đã phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, giảng viên giỏi; nhiều đồng chí là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp trong quân đội, quân chủng. Đây là lực lượng nòng cốt, quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của học viện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người” và xây dựng Quân chủng PK-KQ và lực lượng phòng không toàn quân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện PK-KQ.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thì đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng và chưa cân đối cơ cấu giữa các chuyên ngành. Về chất lượng, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tin học, trải nghiệm qua thực tế chức vụ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, tiếp cận vũ khí trang bị kỹ thuật mới và khoa học, công nghệ hiện đại. Tính đến nay, giảng viên của học viện mới chỉ có 49,6% trình độ sau đại học. Năng lực sư phạm của một số giảng viên chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.

PV: Vậy các đồng chí xác định những mục tiêu cụ thể nào trong việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên?

Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm: Quán triệt sâu sắc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ Học viện xác định: “Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa” là một khâu đột phá quan trọng của học viện trong những năm tới.

Phương hướng, chỉ tiêu cụ thể là tập trung kiện toàn số lượng, cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu đến năm 2015 có hơn 60% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó hơn 15% có trình độ tiến sĩ; đến năm 2020 có hơn 80% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có hơn 20% tiến sĩ, 5 đến 7% giáo sư và phó giáo sư, 4 đến 5% nhà giáo ưu tú. Từ năm 2013 từng bước tiếp cận giảng dạy đối với các loại vũ khí, khí tài phòng không, không quân mới được trang bị.

PV: Để đạt được những mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đề ra những giải pháp gì?

Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm: Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã đề ra một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, trên cơ sở “Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020”, Đề án “Nhà giáo quân đội 2011-2015 và những năm tiếp theo”, học viện xây dựng kế hoạch kiện toàn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, để đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trung tâm và đột xuất. Bảo đảm cơ cấu hợp lý, bố trí đúng chuyên ngành đào tạo, với độ tuổi phù hợp, có đủ các thế hệ kế cận, kế tiếp, bảo đảm tính quy hoạch và phát triển vững chắc. Chú trọng tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là khâu trọng tâm, đột phá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa.

Hai là, xác định đúng các nội dung “chuẩn hóa”. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mới bằng các hình thức: Tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn của quân chủng, quân đội tổ chức trong nước và nước ngoài; mở các lớp bồi dưỡng tại học viện về nghiệp vụ sư phạm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ; đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, dự nhiệm tại các đơn vị chiến đấu, nhà máy nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành, nghiên cứu vũ khí, khí tài mới...

Ba là, đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Tích cực bồi dưỡng, xây dựng, tạo nguồn đề nghị xét danh hiệu: Nhà giáo giỏi, nhà giáo ưu tú, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và tôn vinh các nhà giáo.

Bốn là, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm chính trị, ý thức tự giác, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đầy thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao cả về nhận thức và hành động của cấp ủy, chỉ huy và của toàn thể cán bộ, giảng viên toàn học viện cùng tham gia.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Bài và ảnh: Sáng Phương

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/167147/Default.aspx