Chuẩn hóa nguồn nhân lực bảo hiểm

Số lượng nhân sự tham gia thị trường bảo hiểm gia tăng, nhưng chất lượng còn hạn chế, nên điều kiện, tiêu chuẩn tại nhiều vị trí công việc đang được cơ quan quản lý xây dựng theo hướng nâng cao, đồng thời mở rộng đối tượng điều chỉnh.

Thị trường bảo hiểm hiện có sự tham gia của khoảng 1 triệu lao động.

Thị trường bảo hiểm hiện có sự tham gia của khoảng 1 triệu lao động.

Bảo hiểm tập hợp các chuyên gia từ nhiều ngành nghề

Bộ Tài chính đánh giá, số lượng nhân sự ngành bảo hiểm tăng lên đáng kể, hiện đạt khoảng 1 triệu người, nhưng chất lượng nhân sự còn khiêm tốn. Do thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời tuyển dụng nhân sự từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức về bảo hiểm.

Sau một vài năm công tác, các nhân sự này được đề bạt lên những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. Điều đó tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho riêng doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn cho cả thị trường.

Pháp luật bảo hiểm hiện hành có yêu cầu chứng chỉ đào tạo đối với chức danh quản trị, điều hành như chủ tịch, tổng giám đốc, chuyên gia tính toán, kế toán trưởng và trưởng bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nhưng chưa quy định chi tiết về khung năng lực của các vị trí.

Bên cạnh đó, thực tế có những chức danh khác đóng vai trò quan trọng trong công tác điều hành của doanh nghiệp, cần thiết phải có quy định, hướng dẫn về năng lực, tiêu chuẩn.

Hiện tại, giữa các doanh nghiệp bảo hiểm có sự khác biệt trong tiêu chuẩn của từng vị trí. Không ít doanh nghiệp chưa xây dựng được tiêu chuẩn đối với từng vị trí công việc, phần nào ảnh hưởng đến sự chuyên tâm phát triển nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên và tính chuyên nghiệp của thị trường.

Thực tế, lĩnh vực bảo hiểm tập hợp các chuyên gia từ nhiều ngành nghề khác nhau (kĩ sư, bác sĩ, luật sư, chuyên gia giám định, chuyên gia phân tích tài chính, quản trị rủi ro...), tương ứng với mỗi loại hình bảo hiểm mà doanh nghiệp kinh doanh (xe cơ giới, công trình xây dựng, hàng hải, hàng không, trách nhiệm dân sự, sức khỏe con người...).

Vì thế, tất cả các nhân sự tham gia vào chu trình bảo hiểm (thiết kế sản phẩm, thẩm định khai thác bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường) cần phải được đào tạo về bảo hiểm, kể cả các đại lý, môi giới là những người đưa sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng.

Vậy nhưng, pháp luật mới chỉ yêu cầu tiêu chuẩn, trình độ đối với một số chức danh chủ chốt trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, chuyên gia tính toán.

Do không có quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với các vị trí chức danh tại các bộ phận nghiệp vụ và trực tiếp phục vụ khách hàng nên nguồn nhân lực bảo hiểm chưa được chuẩn hóa, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa có định hướng chiến lược rõ ràng và mang tính ổn định, thống nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Sẽ áp dụng khung năng lực tiêu chuẩn

Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính đề xuất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm thông qua việc giao cho Bộ nghiên cứu, từng bước áp dụng khung năng lực tiêu chuẩn cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo hướng quy định tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho người làm tại các bộ phận nghiệp vụ bảo hiểm và trực tiếp phục vụ khách hàng, xây dựng hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với lộ trình áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực trong dài hạn.

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh có điều kiện, cũng giống như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác (chứng khoán, thẩm định giá, kế toán, kiểm toán...). Chất lượng hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề độc lập sẽ có ảnh hưởng đến ngành, thậm chí là cả xã hội.

Do đó, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều đòi hỏi những người hành nghề phải đạt trình độ nhất định về nghiệp vụ thông qua các chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đang thống nhất quản lý việc tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ đại lý, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm), giúp công tác tổ chức thi minh bạch, công bằng.

Trước đó, Bộ giao cho doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm tổ chức thi, nhưng có những doanh nghiệp vi phạm như cấp chứng chỉ cho người không dự thi, dẫn đến chất lượng không đảm bảo.

Kinh nghiệm tại không ít thị trường bảo hiểm trên thế giới như Mỹ cho thấy, việc tổ chức thi cấp chứng chỉ của ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải do nhà nước quản lý, dù đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ đào tạo.

Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ bảo hiểm, kinh nghiệm đối với người quản lý, người kiểm soát; tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ bảo hiểm đối với cán bộ làm việc tại một số bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Vẫn theo dự thảo, Bộ Tài chính nghiên cứu để trong dài hạn áp dụng khung năng lực tiêu chuẩn cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, xây dựng hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với khung tiêu chuẩn năng lực. Bộ thống nhất quản lý tổ chức thi các chứng chỉ hành nghề và các chứng chỉ theo chuyên môn được quy định tại khung năng lực tiêu chuẩn.

Bộ Tài chính cho biết, quy định như trên sẽ phát sinh chi phí nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn thực hiện chứng chỉ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, Bộ có thể giao cho Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam thực hiện bằng nguồn kinh phí hoạt động của Viện. Trước đây, cơ quan này đã phối hợp với Viện Bảo hiểm Tài chính Úc và Newzeland (ANZIIF) xây dựng khung năng lực tiêu chuẩn mẫu đối với các chức danh trong doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm.

Áp dụng khung năng lực tiêu chuẩn là phù hợp với xu hướng sử dụng, phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm tại các thị trường bảo hiểm phát triển, là tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng dịch vụ bảo hiểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Việc quy định về tiêu chuẩn chứng chỉ chuyên môn áp dụng chung cho người làm tại một số bộ phận nghiệp vụ còn đảm bảo đồng bộ với các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác (chứng khoán, kế toán, kiểm toán, kinh doanh bất động sản), góp phần thực hiện mục tiêu tạo sự liên thông giữa hoạt động thị trường bảo hiểm với thị trường tiền tệ - tín dụng.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, các cán bộ nghiệp vụ bảo hiểm và cán bộ trực tiếp phục vụ khách hàng cần thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn năng lực chuyên môn bảo hiểm theo từng vị trí, cấp bậc theo nhóm công việc chuyên môn bảo hiểm mà họ đảm nhận. Các tiêu chuẩn, kỹ năng nghiệp vụ cho từng vị trí chức danh của các nhóm công việc của nghề bảo hiểm được quy định tại khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn bảo hiểm. Theo đó, tiêu chuẩn tối thiểu để đủ điều kiện làm việc tại tất cả các bộ phận nghiệp vụ bảo hiểm là phải có chứng chỉ cơ bản về bảo hiểm.

Trang Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuan-hoa-nguon-nhan-luc-bao-hiem-post287089.html