Chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội

Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Tại điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam 'Người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện thông tin khác.

Ngày 21/9, tại Quảng Ngãi, hơn 100 đại biểu lãnh đạo cơ quan báo chí và Hội nhà báo các tỉnh khu vưc miền Trung và Tây Nguyên tham dự buổi tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.

Cuộc tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của các nhà báo

Qua gần 2 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 cùng với nhiều thành tựu, kết quả tích cực, hoạt động báo chí hiện còn những mặt tồn tại và hạn chế. Trong đó có một số vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia mạng xã hội.

Nhằm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức 3 buổi tọa đàm của nhà báo tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Trước đó, ngày 13/7 cuộc tọa đàm đầu tiên tổ chức tại Quảng Ninh. Mới đây, tại TP. Cần Thơ.

Đây là đợt tổ chức lấy ý kiến lần thứ 3 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhằm đóng góp xây dựng văn bản cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều qui định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Mạng xã hội đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, theo dõi. Việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đang trở nên phổ biến.

Nhiều nhà báo tham gia vào mạng xã hội, trang fanpage để tăng cường tương tác. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế, gây hại không nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí.

Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” nhằm lấy ý kiến, đưa vào hiện thực hóa, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hóa thực hiện Điều 5. Qua đó, làm cơ sở để Hội đồng Xử lý đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam các cấp tham chiếu khi xử lý vi phạm tại địa phương.

Luật An ninh mạng vừa được thông qua tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội Khóa XIV và đã chính thức đi vào hoạt động. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, xã hội đối với vai trò của mạng xã hội và đời sống báo chí nói riêng, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng và bùng nổ thông tin hiện nay

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tQuảng Ngãi Lê Viết Chữ phát biểu tại Tọa đàm

Ông Lê Viết Chữ, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu: “Tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” là diễn đàn hết sức có ý nghĩa, quan trọng, thực sự cần thiết và đúng đắn, là dịp để các nhà báo và người làm báo trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên trao đổi, giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để vận dụng trong hoạt động thực tiễn”.

Nhà báo Phan Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng chỉ có 1.064 triệu dân nhưng có đến hơn 100 cơ quan báo chí với gần 800 phóng viên - nhà báo, hoạt động sôi nổi hằng ngày, hằng giờ. Nhiều năm nay, nhà báo đã sử dụng mạng xã hội như một nơi đăng tải thông tin hữu ích.

Chúng ta tin rằng, mạng xã hội luôn có những người tốt; chúng ta cần nhận ra rằng mặt tích cực của mạng xã hội là sự giám sát của người dân với những vấn đề tiêu cực. Vai trò của nhà báo trước tốc độ phát triển mạng xã hội cần được thể hiện rõ ràng đó là nhà báo cần có định hướng, thái độ khi đăng tải và tiếp nhận thông tin, kể cả các bình luận.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, khi sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội phải đồng nhất tư tưởng, quan điểm với tác phẩm đã sử dụng tại cơ quan báo chí...

Hải Yến

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/chuan-muc-va-trach-nhiem-cua-nha-bao-khi-tham-gia-mang-xa-hoi-post22447.html