Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 được quy định như thế nào?

Bạn đọc Bùi Hữu Hòa ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2021. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025:

a) Tiêu chí thu nhập:

- Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.

- Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

b) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản:

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

c) Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt quy định tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định này.

Thứ hai, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025:

a) Chuẩn hộ nghèo:

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

b) Chuẩn hộ cận nghèo:

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

c) Chuẩn hộ có mức sống trung bình:

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

*Bạn đọc Trần Nam Anh ở thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng hỏi: Việc bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2021. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các công trình, hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa phải được bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của nghị định này và quy định khác có liên quan.

Thứ hai, trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa:

- Chủ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, người khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo đảm và duy trì an toàn, an ninh công trình, hoạt động trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác theo quy định của pháp luật;

- UBND các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đối với công trình và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/chuan-ngheo-da-chieu-giai-doan-2022-2025-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-652507