Chức năng nào, phải nhiệm vụ đấy!

Tuần qua công luận, dư luận 'nổi sóng' liên quan đến những quy định của Dự thảo Luật Thuế Tài sản mà Bộ Tài chính soạn thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét.

Dự thảo luật chưa “ráo mực”, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải tiến hành gặp gỡ báo giới để “phân minh” nội hàm của dự thảo luật này vào chiều 20/4. Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh:Có thể nói trong thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự án Luật Thuế tài sản đang gửi xin ý kiến của Bộ Tài chính. Chúng tôi rất hoan nghênh, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân cả nước tham gia góp ý vào dự thảo luật. Đây là một bước chúng tôi tiếp thu hoàn chỉnh để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thông qua, sẽ báo cáo Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ này”.

Ở phạm trù bài viết này không đề cập đến bản chất của dự thảo luật có phù hợp với thực tiễn cuộc sống hay không, mà chỉ bàn thêm về chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính nói riêng và của các cơ quan hành pháp nói chung liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước. Thực ra theo Hiến định, cấp bộ chỉ là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tham mưu cho Chính phủ về hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Ví Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tài chính. Còn khâu xây dựng, thẩm tra, ban hành các đạo luật phải là Quốc hội. Nói một cách ngắn gọn, Quốc hội xây dựng và ban hành luật; Chính phủ, các bộ, ngành là cơ quan hành pháp chỉ có chức năng thực thi.

Quy trình soạn thảo các văn bản luật phải mang tính độc lập (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, suốt bao năm qua vẫn đang xảy ra nghịch lý trong công tác đổi mới quy trình soạn thảo các dự án luật vẫn chưa thể thực hiện được, đành chấp nhận cách làm như hiện tại. Đó là, liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước nào, thì Chính phủ giao cho bộ, ngành đó tiến hành soạn thảo dự án luật. Ví dụ, dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp soạn thảo, sau đó sẽ đưa đề án tham vấn các bộ, ngành chức năng xin ý kiến để hoàn hiện; Tiếp theo dự thảo luật sẽ được gửi sang Bộ Tư pháp xem xét có vi Hiến hay không; tại đây Bộ Tư pháp sẽ đặt bút phê chuyển lại Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo chính. Bộ Tài chính căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp sẽ trình dự thảo Luật lên Chính phủ cho ý kiến. Nếu tập thể thường trực Chính phủ đồng ý, sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình ra các kỳ họp của Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến để thông qua.

Bộ Tài chính là quan hành pháp có chức năng quản lý Nhà nước về tài chính. Bởi thế, biết đến bao giờ Bộ này "không phải" kiêm thêm chức năng soạn thảo các dự án luật liên quan đến lĩnh vực tài chính1

Cách làm này vô tình nảy sinh mâu thuẫn, chính cơ quan thực thi pháp luật (hành pháp) lại chính là cơ quan soạn thảo luật. Còn các ban của Quốc hội và bản thân Quốc hội chỉ có chức năng thẩm tra, cho ý kiến và thông qua hay không thông qua mà thôi. Điều này dễ hiểu vì sao, là cơ quan thực thi pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, khi dự thảo Luật Thuế Tài sản bị phản pháo đích thân Bộ trưởng Tài chính phải đứng ra “thanh minh”. Trong khi theo quy trình làm luật, trách nhiệm này phải thuộc Ủy ban Tài chính của Quốc hội. Và trách nhiệm soạn thảo dự án Luật này hoặc phải là một cơ quan độc lập hoặc phải do chính Ủy ban Tài chính của Quốc hội tiến hành soạn thảo mới đúng.

Trùng lắp chức năng nhiệm vụ dẫn đến việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khiến cho một số dự án luật chất lượng chưa cao mà còn bị công luận lên tiếng. Dự án Luật Thuế tài sản là ví dụ điển hình. Vì vậy, để góp phần đổi mới công tác làm luật; để cơ quan luật pháp, hành pháp, tư pháp thực sự độc lập, đặc biệt để các bộ thực hiện đúng chức năng hành pháp của mình đã đến lúc cần có luật hóa việc quy định không để các cơ quan này là cơ quan soạn thảo văn bản luật!

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuc-nang-nao-phai-nhiem-vu-day-72278.html