Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Nghị quyết nêu rõ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

Đối với địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Cụ thể, trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn gồm: tham mưu, giúp Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và cả năm của Đoàn đại biểu Quốc hội, triệu tập các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội, giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn; phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng có nhiệm vụ phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tham mưu, tổ chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; thực hiện chỉ đạo của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương...

Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn gồm: tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và cả năm; tham mưu, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tham mưu, phục vụ Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo; hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát; tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân; theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát, chất vấn; phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật...

Không quá 3 Phó Chánh Văn phòng

Về cơ cấu tổ chức, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng.

Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; xem xét, đánh giá công chức đối với Chánh Văn phòng.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thành các phòng gồm: Phòng Công tác Quốc hội; Phòng Công tác Hội đồng nhân dân; Phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế công chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 của Nghị quyết này.

Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 cũng quy định điều khoản chuyển tiếp.

Khi thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng có thể cao hơn số lượng quy định tại Nghị quyết này.

Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm điều chỉnh, sắp xếp lại số lượng cấp phó vượt quá quy định, bảo đảm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, số lượng cấp phó phải theo đúng quy định tại Nghị quyết này.

Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi được thành lập không vượt quá số lượng biên chế công chức được phê duyệt của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi thực hiện thí điểm hoặc hợp nhất.

Căn cứ vào tình hình thực tế, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định.

Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi được thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuc-nang-nhiem-vu-cua-van-phong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-va-hdnd/668103.vnp