Chùm nho 24 quả giá hơn 255 triệu đồng

Đây là chùm nho Ruby Roman được bán với giá cao nhất kể từ khi giống nho này ra mắt thị trường 12 năm trước.

Trong phiên đấu giá ngày 9-7 ở Kanazawa, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, một chùm nho Ruby Roman, giống nho cao cấp có tiếng tại nước này, đã được bán với giá khoảng 1,2 triệu Yên - tương đương 11.000 USD (hơn 255 triệu đồng), theo tờ Janpan Times. Đây là mức giá cao kỷ lục kể từ khi giống nho này được đưa ra thị trường cách đây 12 năm.

Chùm nho Ruby Romance này gồm 24 quả to, mọng, màu đỏ sậm với hàm lượng đường cao. Giống Ruby Roman được phát triển bởi Chính quyền tỉnh Ishikawa. Chúng được biết đến là cực kỳ ngon ngọt, có ít axit và hàm lượng đường cao. Mỗi quả nho nặng hơn 20 gram.

 Ông Takashi Hosokawa-người sở hữu chùm nho có giá đắt đỏ 1,2 triệu Yên. Ảnh: Kyodo News.

Ông Takashi Hosokawa-người sở hữu chùm nho có giá đắt đỏ 1,2 triệu Yên. Ảnh: Kyodo News.

Người sở hữu chùm nho có giá trị cao này là ông Takashi Hosokawa, quản lý của một chuỗi khách sạn suối nước nóng tại tỉnh Ishikawa, phía bắc đảo Honshu. Ông mong muốn việc chùm nho được mua giá cao sẽ truyền được niềm vui tới những người trồng giống nho này.

"Chúng tôi ra giá 1,2 triệu Yên để đánh dấu 12 năm (ra mắt giống nho Ruby Romance) và kỷ niệm phiên đấu giá đầu tiên của kỷ nguyên Reiwa", ông Hosokawa nói với báo chí.

CNN thông tin, nho Ruby Roman lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 2008. Ngay từ khi ra đời chúng đã gây tiếng vang bởi chất lượng. Tuy nhiên, số lượng nho được bán ra khá hạn chế và gần như độc quyền. Trong năm nay, có khoảng 26.000 quả nho được bán ra, dù mức giá không phải đạt kỷ lục như tại phiên đấu giá Kanazawa.

Nhiều người cho rằng việc bỏ ra số tiền khổng lồ để mua những loại trái cây này là hết sức phung phí. Song các chuyên gia kinh tế lại nhận định việc này giúp doanh nghiệp nhận được nhiều giá trị về truyền thông và có ý nghĩa tích cực về mặt kinh tế, thúc đẩy ngành trồng trọt nông sản địa phương.

Chính vì thế tại Nhật Bản, trái cây đắt đỏ với vẻ ngoài và hương vị vượt trội là mặt hàng xa xỉ quen thuộc, thường được mua để làm quà hoặc để quảng bá tên tuổi doanh nghiệp.

Ông Soyeon Shim, trưởng khoa sinh thái học tại Đại học Wisconsin- Madison từng nhận định: "Người Nhật mua những loại trái cây đắt đỏ để chứng tỏ sự đặc biệt của món quà mà họ muốn trao cho người nhận vào các dịp đặc biệt hoặc dành cho những người có địa vị cao trong xã hội".

T. HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/chum-nho-24-qua-gia-hon-255-trieu-dong-845463.html