Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo: Nhiều lợi ích thiết thực

Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Cô trò Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Ngoài khẳng định sự cần thiết phải có chứng chỉ này, các chuyên gia, nhà khoa học đồng thời nhận thấy lợi ích thiết thực khi nhà giáo có chứng chỉ hành nghề.

Chuyên nghiệp hóa giáo viên

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo. PGS.TS Lê Thái Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, một trong những điểm nhấn dự thảo này là quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Theo dự thảo luật, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp cho người đạt chuẩn trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác.

Theo PGS.TS Lê Thái Hưng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo các giáo viên/giảng viên đủ điều kiện và năng lực, phẩm chất để giảng dạy. Cơ quan cấp phép yêu cầu ứng viên phải hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn bảo vệ quyền lợi người học bằng cách đảm bảo họ được giáo dục bởi đội ngũ có đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục viện dẫn, tại Hoa Kỳ, quyền quản lý giáo dục chủ yếu thuộc về các tiểu bang. Mỗi tiểu bang có thể áp dụng tiêu chuẩn khác nhau cho việc cấp phép giáo viên. Các kỳ thi cấp phép thường bao gồm kiểm tra kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Ngoài ra, tiêu chuẩn cấp phép còn yêu cầu giáo viên phải tiếp tục phát triển chuyên môn qua khóa học và chương trình cập nhật kiến thức định kỳ.

Qua nghiên cứu và tổng hợp, PGS.TS Lê Thái Hưng nhận thấy, việc cấp phép chứng chỉ hành nghề cho giáo viên phụ thuộc nhiều vào môi trường và định hướng chiến lược giáo dục quốc gia.

Các quốc gia và khu vực khác nhau sẽ áp dụng quy trình và tiêu chuẩn cấp phép khác nhau, phản ánh sự cân nhắc giữa kiểm soát chất lượng giảng dạy và cung cấp cơ hội phát triển chuyên nghiệp cho giáo viên. Các chương trình cấp phép giáo viên không chỉ nhấn mạnh tới việc đánh giá kiến thức và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp còn hướng tới hỗ trợ sự phát triển liên tục của giáo viên qua đào tạo và phát triển chuyên môn sau cấp phép.

Cô – trò Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô – trò Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG

Chỉ được mà không mất

Nhấn mạnh những lợi ích từ việc cấp phép chứng chỉ hành nghề nhà giáo, PGS.TS Lê Thái Hưng trao đổi, song song việc cấp phép chứng chỉ hành nghề giáo viên, các quốc gia đặc biệt coi trọng việc xây dựng chính sách liên quan.

Những chính sách này có nhiều yếu tố đa dạng, bao gồm không chỉ quy định về cơ quan, điều kiện, thời hạn cấp phép, mà còn có chính sách hỗ trợ và yêu cầu đối với giáo viên sau khi được cấp phép. Những chính sách này thường đảm bảo rằng, giáo viên không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn ban đầu, mà còn tiếp tục phát triển chuyên môn và duy trì tiêu chuẩn giảng dạy qua thời gian.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo chỉ được mà không mất, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định khi phát biểu tại Hội thảo khoa học “Lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo” sáng 21/5. Việc cấp chứng chỉ không gây khó cho nhà giáo đang hành nghề, vì các thầy, cô đương nhiên được cấp. Tuy nhiên, những nhà giáo tuyển dụng mới phải có chứng chỉ này.

“Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo được nâng lên”, TS Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, khi có chứng chỉ hành nghề, nhà giáo sẽ thuận lợi hơn nếu muốn ra ngoài làm việc hoặc nhà giáo ở nước ngoài đến Việt Nam công tác. Chứng chỉ hành nghề cũng tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp vì chứng chỉ có giá trị sử dụng toàn quốc.

Khẳng định, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là cần thiết, TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, cần có quy định về thời hạn giá trị chứng chỉ, có thể 5 - 7 năm. Hết thời hạn, giáo viên cần tiếp tục tham gia sát hạch để được cấp mới.

Quy định này giúp nhà giáo phải liên tục tự học, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. TS Nguyễn Văn Hòa cũng tán thành với quy định, những nhà giáo đang giảng dạy thì coi như đã có chứng chỉ hành nghề, còn người mới bắt buộc qua đánh giá sát sạch để được cấp.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Theo đó, chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần thực hiện lại chế độ tập sự.

Có chứng chỉ hành nghề sẽ giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường. Ngoài ra, nếu có chứng chỉ này, nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang ngoài công lập hoặc ngược lại và nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn.

Đại diện Ban soạn thảo cho hay, chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục. Ban soạn thảo dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước thuận tiện, nhất là kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực.

Theo đó, những nhà giáo này đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Mặt khác, nhà giáo đã nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chung-chi-hanh-nghe-doi-voi-nha-giao-nhieu-loi-ich-thiet-thuc-post684278.html