Chứng khoán 17/10: Lại là SAB gây nhiễu trong phiên đáo hạn Hợp đồng tương lai

Không tạo biến động mạnh nhưng SAB có vai trò lớn khiến VN-Index cũng như VN30 bị giật xuống vào phiên ATC. Lẽ ra, VN-Index đã có thể đóng cửa tại tham chiếu.

Cho đến trước phiên ATC, thị trường không có nhiều diễn biến đáng chú ý. VCB có thể gia nhập nhóm kéo xuống cùng VIC thì VHM cũng đảo chiều giúp cân bằng lại ảnh hưởng này.

Lúc này, biến số SAB mới xuất hiện và làm lệch cán cân thị trường. Mã này vẫn luôn gây nhiễu trong phiên đáo hạn HĐTL và phiên hôm nay cũng không là ngoại lệ.

Giao dịch ATC đạt 18.300 đơn vị, tương đương gần 65% khối lượng cả phiên đã kéo SAB đảo chiều sụt xuống 253.000 đồng/cổ phiếu.

VN30 do đó đóng cửa giảm 0,6% xuống 919,1 điểm cao hơn cả mức đóng cửa của VN30F1910 là 918,8 điểm. Thị trường tất nhiên, khó có thể thoải mải tăng giá nhưng nhìn chung tâm lý bi quan không vì thế xuất hiện.

HOSE vẫn có được 123 mã tăng so với 179 mã giảm và 62 mã đứng giá tham chiếu. FLC và HAX lại một lần nữa dắt tay nhau đóng cửa tăng trần. Các mã DCM (+3,43%), KDC (+3,66%), DBC (+2,21%), HAG (+3,12%), GTN (+3,09%), D2D (+2,56%) không chịu sự chi phối chung.

Kể cả ở chiều ngược lại, hầu như cũng không ghi nhận trạng thái tháo chạy. Đáng chú ý nhất chỉ có trường hợp của TDH (-5,8%) đã điều chỉnh mạnh về chỉ còn 10.550 đồng/cổ phiếu.

VN-Index đóng cửa giảm 0,47% xuống 989,82 điểm. Thanh khoản đạt 191,55 triệu đơn vị, tương đương 4.036 tỷ đồng trong đó có 778 tỷ đồng thỏa thuận.

Tại HNX, VCS (+2,98%) đảo chiều tăng cho thấy tâm lý nhà đầu tư của VCS đang bất ổn không theo tâm lý chung. Dù sao, VCS cũng giúp cho HNX-Index lấy lại được sắc xanh, tăng 0,13% lên 106,07 điểm. Thanh khoản đạt 18,43 triệu đơn vị, tương đương 261 tỷ đồng.

Tại UPCoM, LPB (+2,7%) đã tăng theo tin kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, so với con số lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 519 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến giá của LPB vẫn cho thấy sự "hời hợt" nhất định. Chỉ số UPCoM-Index đóng cửa tại tham chiếu 56,47 điểm. Thanh khoản đạt 11,99 triệu đơn vị, tương đương 211 tỷ đồng.

.....................

Trạng thái của VIC (-1%), VHM (-0,8%) không cải thiện nhiều dù lực bán của khối ngoại chưa đáng ngại. Trong khi đó, VNM (+1,1%) đã rất nỗ lực cũng chỉ giúp tâm lý được trấn an lại.

Cũng cần lưu ý rằng, nhóm ngân hàng đang chưa hề sẵn sàng tham chiến trong sáng nay khi mà sự kiện hợp đồng VN30F1910 đáo hạn cuối phiên vẫn còn treo lơ lửng đó.

Hiện hợp đồng này đang giao dịch cao hơn VN30 chưa đến 1 điểm. Cả 2 hiện đều đang giảm nhẹ. Còn VNMID (-0,05%), VNSML (-0,24%) cũng giảm nhẹ do số lượng các mã giảm đang khá nhiều.

FLC (+5,68%), HAX (+6,88%) do đó vẫn là những hiện tượng hiếm hoi của sàn khi cung không đủ đáp ứng cho cầu. Cuối phiên sáng, giá trị của FLC hiện đứng thứ 3 tại sàn với 55 tỷ đồng.

Ngoài ra, các mã tăng khác như DCM (+3,43%), GTN (+2,58%), DBC (+3,82%), DRC (+1,23%) cũng tăng khá tốt nhưng ít nhiều tiền vào đang có sự dè dặt.

Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng giảm 0,26% xuống 991,91 điểm. Còn HNX-Index cũng giảm 0,07% xuống 105,86 điểm. Giá trị 2 sàn hiện chưa tới 1.500 tỷ đồng. So với biến động một số thị trường châu Á như NIKKEI (+0,1%), HIS (+0,74%), KOSPI (-0,14%), thị trường Việt Nam chưa có dấu hiệu bất thường nào.

......................

Trước phiên giao dịch 17/10, CTCK Bảo Việt đánh giá thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp là yếu tố chính tạo nên sự phân hóa mạnh trên thị trường khi các ngành Ngân hàng, Bán lẻ, Cao su,… ghi nhận kết quả khả quan. Ngoài ra, nhiều khả năng thị trường sẽ biến động trong ngày mai khi HĐTL VN30F1910 đáo hạn.

Các sự kiện này lại đang xảy ra vào đúng thời điểm thị trường tiến gần đến ngưỡng kháng cự 1.000 điểm nên tâm lý nhà đầu tư hôm nay ít nhiều sẽ phải thận trọng.

Sau khi kết thúc phiên ATO, HĐTL VN30F1910 đã mở cửa trong sắc xanh, tăng nhẹ lên 924 điểm tuy nhiên cầu vào cũng không thực sự ổn định nên sau đó chủ yếu lình xình quanh mốc tham chiếu.

Tại thị trường cơ sở, VN-Index cũng mở cửa trong sắc xanh nhưng đã dễ bị giảm điểm sau đó do các ảnh hưởng của VIC (-0,4%) và VHM (-0,7%). Phía đầu kéo lên, mới chỉ có VNM (+0,7%) đứng ra. Tính đến 9h40, chỉ số giảm nhẹ 0,1% xuống 994,42 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp hơn, tạm thời đang phủ trong sắc đỏ ở hàng loạt mã như SSI, DGW, GMD, HBC, HSG, POW, HDG, HBC, PDR. Tuy nhiên, một số tiếp tục đi theo các câu chuyên riêng.

Cụ thể, FLC (+5,93%) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi đã tăng trần liền 3 phiên. Giao dịch tiếp tục có sức hút giúp mã này đang đứng đầu toàn sàn về khớp lệnh.

HAX (+6,88%) cũng tăng trần lên 21.750 đồng/cổ phiếu. So với giá chào mua của Hyosung, mức giá hiện tại vẫn còn thấp hơn nhiều khiến bên mua vẫn còn nhiều động lực để đẩy tiền vào.

Với HNX, VCS (-2,02%) đang giảm về 82.200 đồng/cổ phiếu trong khi ACB (-0,41%), NVB (-2,33%) cũng giảm đã chặn lại mọi cơ hội tăng điểm của HNX-Index. Chỉ số giảm xuống 105,5 điểm.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-khoan-1710-lai-la-sab-gay-nhieu-trong-phien-dao-han-hop-dong-tuong-lai-3524252.html