Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 13/2

Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên giao dịch 13/2, do kỳ vọng ngày càng tăng về khả năng lãi suất của Mỹ sẽ tăng cao hơn nhiều và lâu hơn so với dự báo.

Bảng giao dịch điện tử bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảng giao dịch điện tử bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù lạm phát có xu hướng giảm trong vài tháng qua, song dữ liệu cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ vẫn rất chặt chẽ trong tháng 1/2023, chứng tỏ "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn vững ổn. Dữ liệu về việc làm khiến một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhấn mạnh rằng ngân hàng này vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi họ vui mừng vì đã kiểm soát được giá cả.

Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 243,66 điểm (0,88%), xuống 27.427,32 điểm, bị tác động bởi đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và sự thận trọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể rời xa chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại dưới sự lãnh đạo của Thống đốc mới.

Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi của mất điểm phiên thứ ba liên tiếp, do sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực công nghệ, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước việc công bố dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này. Chỉ số Kospi đóng cửa giảm 17,03 điểm (0,69%), xuống 2.452,70 USD/ounce.

Nhiều thị trường chứng khoán khác tại châu Á cũng chứng kiến một phiên "chật vật" sau khi Phố Wall trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hai tháng, bao gồm Singapore, Sydney của Australia, Manila của Philippines, Mumbai của Ấn Độ và Wellington của New Zealand.

Chứng khoán Trung Quốc biến động ngược chiều trong phiên giao dịch ngày 13/2, sau khi chứng kiến đà sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1/2023. Thị trường Thượng Hải tăng điểm khi nhu cầu tín dụng cao hơn đã nâng đỡ tâm lý thị trường. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu Hong Kong "đỏ sàn" do bất đồng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,7%, lên 3.279,94 điểm. Còn chỉ số Hang Seng mất 0,4%, xuống 21.099,65 điểm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 14/2 (giờ địa phương) đang thu hút sự chú ý. Kết quả tăng cao hơn của chỉ số CPI có khả năng gây thêm áp lực lên tâm lý thị trường.

Chuyên gia Eric Robertsen của ngân hàng Standard Chartered cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách của Fed càng buộc phải kéo dài chu kỳ tăng lãi suất và hoãn cắt giảm lãi suất, thì càng có nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cuộc hạ cánh cứng, đòi hỏi phải cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn sau đó".

Tại Việt Nam, kết thúc phiên 13/2, chỉ số VN-Index giảm 1,10% xuống 1.043,70 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,92% xuống 204,49 điểm./.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chung-khoan-chau-a-phan-lon-di-xuong-trong-phien-13-2/280785.html