Chứng khoán châu Á trái chiều sau đợt cắt giảm lãi suất lần 2 trong năm 2019 của FED

Thị trường cổ phiếu châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày 19/9 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo cắt giảm lãi suất 0,25% đúng như dự báo trước đó.

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 18/9, FED quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% giữa lúc gia tăng rủi ro và bất ổn do căng thẳng thương mại và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đây là lần cắt giảm thứ hai kể từ tháng 7 và cũng là lần thứ hai kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Quyết định trên của FED được cho là nhằm hỗ trợ và bảo vệ nền kinh tế Mỹ khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc cản trở hoạt động sản xuất và đầu tư, làm gia tăng bất ổn và khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc.

 Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 19/9.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 19/9.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo FED dường như chưa thống nhất đối với việc hạ lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.

Theo Chủ tịch FED Jeremy Powell, bất ổn trong giao thương đang tạo ra những "cơn gió nghịch" và dù sức tiêu dùng vẫn mạnh, sự bất ổn này cũng sẽ có tác động khiến đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu suy yếu.

Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 19/9 với chỉ số tổng hợp Thượng Hải nhích nhẹ, chỉ số Thâm Quyến tăng 0,27% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến nhích 0,291%. Tuy nhiên, chỉ số Hang Hang của Hồng Kông sụt 0,7% do cổ phiếu của công ty bảo hiểm nhân thọ AIA giảm 1,65%.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng 0,99%, với cổ phiếu của chỉ số bán lẻ nhanh tăng mạnh 0,87%. Chỉ số Topix cũng cộng thêm 0,96%.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng leo dốc 0,49% nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu Samsung Electronics với mức tăng 1,99%.

Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia tăng 0,79%. Dữ liệu do Cục Thống kê Australia công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này tăng lên 5,3% trong tháng 8.

Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,14%.

Trong cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 17-18/9, ban lãnh đạo FED cho thấy sự chia rẽ đối với quyết định hạ lãi suất mới nhất, với 3 quan chức không đồng tình. Ngoài ra, các quan chức của ngân hàng trung ương cũng không thống nhất quan điểm về đợt điều chỉnh lãi suất mới trong năm nay. 5 thành viên trong ban lãnh đạo FED muốn giữ nguyên lãi suất, trong khi 5 thành viên khác ủng hộ hạ tiếp lãi suất, và 7 quan chức khác muốn thực hiện ít nhất thêm 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ông Tai Hui - Chiến lược gia trưởng về thị trường châu Á của J.P. nhận xét: “Tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở của FED (FOMC) trong cuộc họp tháng 9 phản ánh một sự khác biệt đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ giữa các thành viên FOMC. Điều này phản ánh bản chất không chắc chắn của triển vọng kinh tế Mỹ”.

Theo nhà chiến lược Tai Hui, sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế Mỹ cùng với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiến triển chậm sẽ tiếp tục gây áp lực lên tâm lý của nhà đầu tư.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức 98,572 điểm sau khi giảm xuống 98,4 điểm trong phiên trước đó.

So với đồng USD, đồng yen Nhật tăng lên mức 108,16 yen sau khi trượt xuống còn 1 USD đổi được 108,46 yên ở phiên 18/9./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chung-khoan-chau-a-trai-chieu-sau-dot-cat-giam-lai-suat-lan-2-trong-nam-2019-cua-fed-352871.html