Chứng khoán châu Âu đồng loạt mất điểm

Các thị trường chứng khoán châu Âu ngày 2/3 đã đồng loạt mất điểm khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) nâng cảnh báo nguy cơ của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ mức vừa phải lên mức cao.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tuy đã tăng 2% trong phiên giao dịch sáng 2/3, nhưng tới phiên giao dịch chiều cùng ngày, thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) đã giảm 2,2%, trong khi thị trường chứng khoán Paris (Pháp) giảm 2,1%, thị trường London (Anh) giảm 1,3% và thị trường Milan (Italy) thậm chí giảm tới 3,8%. Khi mở phiên giao dịch sáng, giá các cổ phiếu đã xuống âm, nhưng ngay sau đó phục hồi khoảng 2% trong bối cảnh giới đầu tư hy vọng các ngân hàng trung ương sớm can thiệp với các gói kích thích kinh tế để ổn định kinh tế.

Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 25/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 25/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng thông báo cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế như cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế nước này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán châu Âu đã ngay lập tức có phản ứng sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo ECDC đã nâng mức rủi ro lên mức cao đối với Liên minh châu Âu (EU). Ngân hàng trung ương Anh ngày 2/3 tuyên bố đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm đảm bảo thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sự ổn định thị trường tài chính và tiền tệ. Tuần trước, chỉ số FTSE ở thị trường chứng khoán London đã sụt giảm trên 11% khi virus SARS-CoV-2 lan rộng trên thế giới. Thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm tháng 10/2008, chỉ số FTSE đã sụt giảm tới 21% chỉ trong 1 tuần.

Hiện giới phân tích cảnh báo dịch bệnh sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới các thị trường trong bổi cảnh các nước đang nỗ lực để kiềm chế dịch bệnh, vốn đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 3.000 người và lây nhiễm cho khoảng 90.000 người trên thế giới, trong đó chủ yếu là ở Trung Quốc đại lục.

*Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 2/3, sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) đã buộc phải can thiệp nhằm bình ổn thị trường sau khi giới chức nước này thông báo hai trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2. IDX đã quyết định tạm thời ngừng giao dịch cho tới khi có thông báo mới nhằm giúp chặn đà đi xuống của thị trường. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ ngừng công bố danh sách các cổ phiếu được phép bán khống và yêu cầu các công ty môi giới từ chối yêu cầu bán khống của khách hàng.

Thông báo của Tổng thống Indonesia về hai trường hợp đầu tiên tại nước này dương tính với COVID-19 đã khiến Chỉ số Tổng hợp Jakarta (JCI) lập tức tụt xuống mức 5.354 điểm trước khi đóng cửa với mức giảm 1,68% xuống còn 5.361 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017. Theo số liệu thống kê, JCI – chỉ số chứng khoán chủ lực của IDX - đã mất tổng cộng 7,3% giá trị vào tuần trước và gần 15% kể từ đầu năm đến nay.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 2/3, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã công bố 5 biện pháp nhằm ổn định đồng nội tệ Rupiah trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài bán tống bán tháo cổ phiếu và trái phiếu sau khi dịch bệnh COVID-19 chính thức lan tới quốc gia này. Biện pháp đầu tiên sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngày 16/3 tới, theo đó giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) bằng USD của các ngân hàng thương mại tại TI từ mức 8% hiện nay xuống còn 4%. Biện pháp thứ hai được thực hiện từ ngày 1/4 cho phép cắt giảm 50 điểm phần trăm RRR bằng đồng Rupiah đối với các ngân hàng cho vay xuất nhập khẩu. Giới chức Indonesia cho rằng hai biện pháp nói trên sẽ giúp thanh khoản của các ngân hàng thương mại tăng thêm 3,2 tỷ USD và hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu.

Mạnh Hùng - Hữu Chiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/chung-khoan-chau-au-dong-loat-mat-diem-20200302224805403.htm