Chứng khoán đang vào giai đoạn thị trường giá xuống

Theo ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment, chứng khoán hiện đã đi vào giai đoạn thị trường giá xuống, nhiều cổ phiếu giảm từ 30 - 50%.

Xu hướng trung và dài hạn đã gãy, thị trường chứng khoán (TTCK) dự báo sẽ đi xuống ít nhất 1 - 2 năm, tính từ thời điểm đỉnh vào tháng 1/2021.

Thị trường tiếp tục chứng kiến thêm một phiên cuối tuần bán tháo mạnh khiến hàng trăm mã nằm sàn cùng các chỉ số chính lao dốc.

“Khác với các nhịp giảm mang tính chất điều chỉnh trong chu kỳ đi lên của giai đoạn năm 2020 - 2021, TTCK đang trong giai đoạn đi xuống, kết thúc một chu kỳ kinh tế”, ông Lã Giang Trung cho biết. Thống kê trong lịch sử về các giai đoạn thị trường đi xuống, mức giảm thông thường sẽ là 30 - 40% từ đỉnh. Với việc thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng các ngân hàng Trung ương trên thế giới và tình hình lạm phát cao, đại diện Passion Investm dự báo: VN-Index nhiều khả năng giảm về mức 950 điểm.

Trong bối cảnh này, ông Lã Giang Trung khuyến nghị những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu nên hạ tỷ trọng về 40%. Trường hợp đang giữ tiền, nhà đầu tư nên đợi khi thấy không đủ kỹ năng để tham gia thị trường giá xuống hoặc tận dụng nhịp hồi của thị trường, lựa chọn đầu tư trên thị trường phái sinh.

“Nhà đầu tư chỉ có thể kiếm tiền ở chiều mua cơ sở tại các nhịp hồi của thị trường. Một chiến lược khá đơn giản, nhà đầu tư mua ở phiên rũ mạnh khi gần như các cổ phiếu blue chip đều giảm sàn; chỉ mua với tỷ lệ nhỏ và xác định giữ ngắn hạn, kiếm lợi nhuận 5 - 7%”, ông Lã Giang Trung tư vấn.

Theo ý kiến một số chuyên gia chứng khoán, thị trường phái sinh nhìn đơn giản nhưng rất phức tạp. Hiện tỷ lệ người thua lỗ trên thị trường phái sinh lớn hơn rất nhiều thị trường cơ sở. Với mức chi trả thuế phí cao và đòn bẩy cao cùng tỷ lệ chiến thắng thấp, nhà đầu tư không quá chuyên nghiệp không nên tham gia thị trường này.

Với góc nhìn bi quan, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank dự báo: VN-Index có thể xuống dưới 1.000 điểm, thậm chí ở kịch bản xấu có thể xuyên qua mức 950 điểm. “Thanh khoản của TTCK đã giảm từ tháng 11/2021. Điều này làm cho thị trường đi lên thời gian qua không phải do có lực mua mà do người bán tạm ngưng nên vẫn làm cho thị trường đi lên hay có những nhịp hồi được. Còn xu hướng trung hạn khó quay về tích cực, ông Phan Dũng Khánh cho biết.

Tuy nhiên theo ông Phan Dũng Khánh, trong giai đoạn TTCK giảm điểm cũng có những nhóm ngành đi ngược xu hướng như hàng hóa thiết yếu, dầu khí. Nhưng số lượng cổ phiếu giảm vẫn áp đảo mã tăng. Việc chọn được cổ phiếu với tỷ lệ mã tăng ngược xu hướng sẽ khó hơn bình thường. “Chỉ những nhà đầu tư có kỹ năng phân tích tốt, bắt đáy tốt, kiểm soát rủi ro và kiểm soát lòng tham mới có khả năng tìm được cơ hội trong đó. Trường hợp nhà đầu tư chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, không nên bắt đáy trong xu hướng hiện tại”, ông Phan Dũng Khánh cho biết.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 13/5, TTCK tiếp tục lao dốc mạnh với 262 cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản, VN-Index rớt thê thảm mất hơn 56 điểm, xuyên thủng mốc 1.200 điểm khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Còn tại HoSE có 198 mã sàn, HNX có 64 mã và UpCOM có 79 mã. Như vậy toàn thị trường có 341 cổ phiếu giảm hết biên độ, phần lớn mất thanh khoản. Riêng với 2 sàn niêm yết, tuần này đã có tới 3/5 phiên mà số lượng cổ phiếu bán tháo giảm hết biên độ vượt quá con số 200 mã. Áp lực giảm quá mạnh khiến niềm tin trên thị trường giảm sút.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), TTCK đã thêm 1 phiên giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tiếp diễn tâm lý lo lắng do phiên bán mạnh trước đó. Về kỹ thuật, phiên giảm mạnh chiều 13/5 như “cú bồi” xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy ở tuần trước. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền vẫn “thờ ơ”, nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.

"Ngưỡng 1.200 là vùng hỗ trợ cứng của thị trường nên dự báo phiên thứ hai tuần tới, VN-Index sẽ có sự hồi nhẹ về xung quanh mốc này; hoặc nếu không thì chỉ số sẽ tiếp tục lùi về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là vùng 1.150 điểm", đại diện Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo.

Theo một số chuyên gia kinh tế, TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng...Tuy nhiên xét về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc.

Theo Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, cơ quan quản lý tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn. Cùng với đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên TTCK để bảo vệ nhà đầu tư...

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

“Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định TTCK trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả”, đại diện Lãnh đạo UBCKNN nói.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Theo UBCKNN, mặc dù việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường nhưng UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra”, lãnh đạo UBCKNN cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các biện pháp chấn chỉnh TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần đây là cần thiết nhưng phần nào khiến cho thị trường đang có dấu hiệu trầm lắng hoặc thậm chí có tâm lý e ngại về phản ứng dây chuyền. “Các biện pháp trên nhằm tăng cường kỷ luật trên TTCK, hướng đến phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường’’, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Còn đối với các nhà đầu tư, cần phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia TTCK; đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến chứng khoán dự kiến đầu tư, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức, cá nhân môi giới mà không kiểm chứng thông tin. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN của cơ quan quản lý. "Bộ Tài chính tin tưởng, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phát triển kinh tế, TTCK sẽ tiếp tục phát triển ổn định là kênh đầu tư an toàn hiệu quả cho mọi nhà đầu tư chân chính trên thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

baotintuc.vn

baotintuc.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-khoan-dang-vao-giai-doan-thi-truong-gia-xuong-177708.html