Chứng khoán hôm nay 5/10: Đến thời các đại gia bất động sản cũng lao đao

Bất động sản là một trong những nhóm cổ phiếu chịu áp lực mạnh mẽ nhất khi thị trường chứng khoán liên tục 'dò đáy'.

Lực bán dâng cao khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, VN-Index giảm 8,3 điểm (0,76%) về 1.078,14 điểm, HNX-Index giảm 8,3 điểm (0,76%) còn 235,61 điểm, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (0,47%) xuống 82,38 điểm.

Vốn hóa nhiều cổ phiếu bất động sản đang lao dốc. Ảnh minh họa

Vốn hóa nhiều cổ phiếu bất động sản đang lao dốc. Ảnh minh họa

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch phiên này chỉ đạt hơn 672,1 triệu đơn vị, tương ứng 13.550 tỷ đồng. Có thể thấy sự thiếu hụt về dòng tiền là điều đáng chú ý nhất ở thị trường hiện tại. Tình trạng giảm điểm kèm theo thanh khoản suy kiệt cho thấy dòng tiền vẫn đang đứng ngoài thị trường.

Mặc dù sắc xanh nhỉnh hơn trong rổ VN30 với 15 mã tăng/14 mã giảm, tuy nhiên VN30-Index vẫn giảm hơn 4 điểm. Các mã midcap thuộc nhiều nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công, phân bón, thủy sản, điện, gạo, bảo hiểm đều có mức sụt giảm mạnh, nhiều mã thậm chí lộ sàn.

Một trong những nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian qua chính là bất động sản. Khi VN-Index thủng mốc 1.100 điểm thì nhiều mã cổ phiếu nhóm này rớt xuống mốc giá khá sâu.

Đầu tiên phải kể đến một cổ phiếu “họ Vin” đó là VHM. Dù có sự hồi phục nhẹ vào phiên 4/10 nhưng mã này đã giảm nhiều phiên liên tiếp. Tính chung qua 1 tháng VHM đã mất tới hơn 17%. Mức giá 50.600 đồng của VHM hiện nay khiến nhà đầu tư không khỏi “sầu não”, bởi mã cổ phiếu “họ Vin” này đã từng lọt vào câu lạc bộ “ba con số” chỉ vào năm ngoái với mức giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự như VHM, DXS mới đây đã phải gửi văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tục từ 26/9 - 30/9/2022. Không chỉ vậy, trong vòng 1 tuần trở lại đây mã này cũng liên tục rơi vào tình trạng giảm sâu và giảm sàn. Tính từ đầu tháng 9 đến nay DXS đã giảm tới 33,4% giá trị, và đang ở mức giá thấp nhất kể trong vòng 1 năm trở lại đây là 17.650 đồng/cổ phiếu.

DIG cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng của thị trường, khi mã này cũng giảm nhanh tới chóng mặt trong nhiều phiên trở lại đây. Màu đỏ và xanh lơ liên tục xuất hiện khiến mã này đã giảm tới gần 30% kể từ ngày 1/9.

Cổ phiếu CEO cũng không ngoại lệ với DIG, khi màu sắc tương đồng liên tục. Hiện mã này đã giảm xuống mốc 17.800 đồng/cổ phiếu, mất tới 43,7% giá trị so với thời điểm đầu tháng 9.

Có thể thấy từ đầu năm tới nay, mặc dù có sự hồi phục cục bộ, nhưng nhìn chung các cổ phiếu bất động sản vẫn đang trong xu hướng suy giảm. Dòng tiền hiện vẫn khá “hờ hừng” với nhóm này.

Theo nhiều chuyên gia, trong năm 2022, nhóm ngành bất động sản giao dịch không quá tích cực, khi chịu ảnh hưởng lùm xùm từ vụ việc liên quan tới “nhóm FLC” và các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong giai đoạn quý I đầu năm.

Về xu hướng giá của nhóm ngành bất động sản, tính tới giữa tháng 9, dù cho một vài mã bất động sản khu công nghiệp tăng điểm tốt thì đây vẫn là nhóm ngành giảm điểm mạnh hơn thị trường chung, với mức giảm bình quân ngành lớn hơn 25%.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng ngành bất động sản đã có một giai đoạn tăng khá nóng vào cuối năm 2021, do đó sang năm 2022 ngành bất động sản giao dịch chậm lại. Một số cổ phiếu giảm mạnh hơn so mức giảm bình quân của thị trường là điều dễ hiểu.

Thêm vào đó, trong năm 2022, các thông tin vĩ mô cũng không ủng hộ ngành bất động sản. Lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đứng trước áp lực tăng lãi suất kéo theo là việc tăng chi phí mua nhà và đầu tư bất động sản. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng, đặc biệt là dòng vốn chảy vào các hoạt động kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Về kênh trái phiếu, nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, dòng vốn chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó, dự án chậm triển khai, nguồn cung các dự án mới khan hiếm.

Chi phí mua nhà tăng và nguồn cung khan hiếm dẫn đến việc thanh khoản trên thị trường bất động sản thấp, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản suy giảm. Cũng vì thế, các cổ phiếu ngành bất động sản thời điểm hiện tại chưa thể nhận được sự quan tâm của dòng tiền.

Trở lại với thị trường chứng khoán, hiện thị trường trong nước tiếp tục tìm đáy mới kể từ đầu năm trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh trở lại.

VN-Index đang có chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp và đã mất 30% kể từ đỉnh, nằm trong top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới. Với diễn biến ngược dòng thế giới như hôm nay, tâm lý nhà đầu tư sẽ chuyển biến xấu đi và không tìm thấy điểm tựa nào ở thời điểm hiện tại.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo. VN-Index nhiều khả năng tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc giằng co nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn trước khi hồi phục trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục gia tăng một phần tỷ trọng ngắn hạn khi giá của các cổ phiếu mục tiêu đã lùi về vùng hỗ trợ đã đề cập.

Diệu Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-hom-nay-5-10-den-thoi-cac-dai-gia-bat-dong-san-cung-lao-dao.html