Chứng khoán Mỹ cao sát mức kỷ lục dù gói kích thích kinh tế bế tắc

Phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp lớn nhất Mỹ như vậy chính thức lên một ngưỡng mới.

Ảnh: iStock

Phiên giao dịch ngày thứ Ba, phần lớn các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ giao dịch ở ngưỡng cao kỷ lục dù rằng nội bộ Quốc hội Mỹ vẫn đang tiếp tục bất đồng về gói hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày một căng thẳng.

Không ít người lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ sẽ xấu đi khi mà tác động của gói kích thích kinh tế chấm dứt.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 66,84 điểm tương đương 0,2% xuống 27.778,07 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 7,79 điểm tương đương 0,2% lên 3.389,07 điểm – mức đóng cửa cao kỷ lục tính từ ngày 19/2/2020.

Chỉ số Nasdaq tăng 81,84 điểm và chạm mức 11.210,84 điểm. Chỉ số Nasdaq như vậy có phiên đóng cửa cao kỷ lục thứ 34 trong năm 2020.

Phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp lớn nhất Mỹ như vậy chính thức lên một ngưỡng mới.

Dù rằng xuất hiện ngày một nhiều lo lắng về hướng diễn biến của đại dịch, quá trình phục hồi kinh tế và biến động chính trị tại Mỹ, chỉ số S&P 500 vẫn có khoảng thời gian phục hồi nhanh nhất tính từ khi chỉ số rơi vào trạng thái suy giảm, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Clarfeld Citizens Private Wealth, ông Michael Hans, nhận định: “Chúng tôi có cảm giác rằng khoảng thời gian dễ dàng đã ở sau lưng chúng tôi. Chúng tôi có một mùa hè vững vàng, các chỉ số tăng lên mức cao chưa từng có. Tuy nhiên hiện chưa rõ tiêu dùng người dân sẽ cải thiện ở mức độ nào, liệu thị trường lao động và hoạt động kinh tế có được duy trì mà không có các gói kích thích tiền tệ và tài khóa”.

Và ông cũng khẳng định thêm rằng chắc chắn chính sách hỗ trợ sẽ không được duy trì mãi mãi.

Nhiều công ty bán lẻ đã chịu tác động nặng nề khi mà hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa do đại dịch Covid-19. Hai công ty Home Depot và Walmart được hỗ trợ bởi người tiêu dùng tập trung vào các nhu cầu thiết yếu. Walmart hiện chiếm khoảng 25% tổng thị phần rau quả tại Mỹ, kết quả kinh doanh của hãng được hỗ trợ quan trọng nhờ hoạt động hợp tác với Instacart.

Trong ngày thứ Hai, chính phủ Mỹ tiếp tục đưa ra biện pháp trừng phạt nặng nề chưa từng có tiền lệ với Huawei Technologies. Washington tiếp tục hạn chế khả năng của “đại gia” công nghệ Trung Quốc trong việc mua lại chip cũng như nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp ngoài nước Mỹ, theo tin từ Nikkei.

Quy định mới nhất chắc chắn sẽ chặn nguồn cung linh kiện quan trọng của Huawei. Quy định này cấm Huawei sử dụng chip của nhà cung cấp ngoài Trung Quốc nếu chip đó được phát triển hoặc sản xuất từ phần mềm hoặc công nghệ Mỹ, theo phán quyết mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ.

Quy định mới nhất có hiệu lực ngay lập tức, nó sẽ tiếp tục hạn chế nguồn tiếp cận của Huawei với nguồn chip ngoài nước Mỹ. Các công ty nước ngoài cũng sẽ không bán được sản phẩm bán dẫn quan trọng cho công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.

Nhiều nhà cung cấp chip hàng đầu châu Á bao gồm MediaTek, công ty cung cấp thiết bị cảm biến hình ảnh Sony, công ty cung cấp cảm biến STMicroelectronics và nhiều nhà cung cấp chip quan trọng như Samsung Electronics, SK Hynix, Kioxia, Nanya Tech cũng như nhiều công ty cung cấp chip của Trung Quốc sẽ phải tuân thủ quy định mới, theo nhận định của nhiều chuyên gia phần mềm, công nghệ, pháp lý và quan sát thị trường.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//vang-tien/chung-khoan-my-cao-sat-muc-ky-luc-du-goi-kich-thich-kinh-te-be-tac-3550409.html