Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp, giá dầu nhảy hơn 3 USD/thùng

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực Mỹ đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần, khi mối lo về khủng hoảng ngân hàng dịu đi...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (27/3), nối tiếp xu hướng tăng của tuần trước, khi nhà đầu tư tìm cách thoát khỏi mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng lên sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Giá dầu thô tăng mạnh sau khi có tin xuất khẩu dầu từ vùng người Kurd ở Iraq bị gián đoạn, bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế tiếp tục phủ bóng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 194,55 điểm, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 32.432,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, đạt 3.977,53 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,5%, còn 11.768,84 điểm.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực tăng trên diện rộng. Có thời điểm trong phiên giao dịch, chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng 3%, trước khi chốt phiên với mức tăng khoảng 0,9%. Cổ phiếu First Republic tăng 11,8% sau khi liên tục bị bán tháo trong tuần trước, PacWest tăng 3,4%.

“Tâm lý thị trường đang được cải thiện khi các nhà hoạch định chính sách có những bước đi quyết đoán để giải tỏa những thách thức xuất hiện gần đây. Việc mở rộng chương trình cung cấp thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp giảm nhiều nỗi lo trước đó rằng một loạt những vụ rút tiền ồ ạt có thể sắp xảy ra”, chiến lược gia trưởng Brian Levitt của Invesco phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Đã có một loạt sự kiện giúp cải thiện tâm lý thị trường. Cuối tuần vừa rồi, CNBC đưa tin rằng dòng tiền gửi bị rút khỏi những ngân hàng nhỏ để chuyển sang những ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Wells Fargo đã giảm bớt trong những tuần gần đây.

Hãng tin Bloomberg cho biết nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc mở rộng một chương trình cho vay khẩn cấp dành cho các ngân hàng, qua đó có thể giúp First Republic có thêm thời gian để tăng cường thanh khoản. Tuần trước, cổ phiếu First Republic “bốc hơi” 46,3% vì nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch trong đó 11 ngân hàng lớn gửi 30 tỷ USD vào First Republic có thể không đủ để cải thiện bảng cân đối kế toán của nhà băng đang lung lay này.

Trong một diễn biến tích cực khác, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) vào đêm ngày Chủ nhật công bố First Citizens BancShares đã nhất trí mua lại những phần lớn của ngân hàng sụp đổ SVB. Theo đó, số tài sản 72 tỷ USD của SVB sẽ về tay First Citizens với giá khoảng 16,5 tỷ USD, nhưng số chứng khoán trị giá 90 tỷ USD cùng một số tài sản khác của SVB vẫn sẽ nằm trong sự tiếp quản của FDIC.

“Chúng tôi cho rằng trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính Mỹ có đủ khả năng đảm bảo cho tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm. Dù không loại trừ hoàn toàn khả năng Bộ Tài chính hành động nếu căng thẳng nghiêm trọng quay trở lại trong hệ thống ngân hàng, nhưng khả năng cơ quan này phải có một động thái đơn phương là rất thấp ở thời điểm này”, chuyên gia Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 3% từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu ngân hàng Đức Deutsche Bank tăng 4,7% sau khi bị các nhà giao dịch bán tháo vào tuần trước sau vụ sáp nhập ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse vào đối thủ đồng hương UBS.

Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ có một phiên giảm do lãi suất tăng phủ bóng lên triển vọng của các nhóm cổ phiếu tăng trưởng. Tuần trước, Fed có đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp trong vòng 1 năm. Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 2,8% trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, giảm 1,5%.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tuần trước, bất chấp những biến động do Fed nâng lãi suất và khủng hoảng ngân hàng. S&P 500, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall, đang trên đà hoàn tất tháng 3 với điểm số gần như không thay đổi so với thời điểm cuối tháng 2. Ngày thứ Sáu tuần này sẽ là phiên cuối tháng và cuối quý, và mức tăng của S&P 500 từ đầu quý đến nay hiện đã đạt hơn 3%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,13 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, chốt ở 78,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,55 USD/thùng, tương đương tăng 5,1%, chốt ở 72,81 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent tăng 2,8% và giá dầu WTI tăng 3,8% do mối lo về khủng hoảng ngân hàng dịu bớt. Dù vậy, nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và trên toàn cầu do chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn đang là một nguồn áp lực mất giá đối với “vàng đen”.

Phiên đầu tuần, giá dầu nhận được một “cú huých” khi Thổ Nhĩ Kỳ dừng bơm dầu từ vùng người Kurd ở Iraq qua một đường ống đi qua nước này. Việc dừng bơm dầu này diễn ra sau khi có một quyết định của tòa trọng tài cho rằng cần phải có sự đồng ý của Baghdad cho hoạt động xuất khẩu dầu này. Lượng dầu bị gián đoạn là khoảng 450.000 thùng/ngày, tương đương gần 0,5% tổng nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày.

Chuyên gia John Kilduff của Again Capital bày tỏ lo ngại rằng việc mất mát nguồn cung dầu từ vùng người Kurd ở Iraq có thể sẽ khuếch đại ảnh hưởng của những vụ gián đoạn sản lượng bất khả kháng có thể xảy ra ở các nhà cung cấp khác trong tương lai.

Giá dầu Brent giao sau ở London đã giảm 9,2% từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.

Phiên này, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi nỗi lo địa chính trị sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak gần đây cho biết nước này đang tiến gần tới mục tiêu giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày về mức khoảng 9,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, xuất khẩu dầu thô của Nga được dự báo sẽ ổn định vì nước này được cho là sẽ cắt giảm sản lượng của các sản phẩm dầu tinh luyện trong tháng 4.

Về nhu cầu, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc được dự báo tăng 6,2% trong năm nay, đạt 540 triệu tấn - theo một báo cáo thường niên của Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-phien-thu-ba-lien-tiep-gia-dau-nhay-hon-3-usd-thung.htm