Chứng khoán Mỹ tăng trở lại sau khi Fed trấn an thị trường

Chỉ số Nasdaq đạt mức cao kỷ lục khi đóng cửa vào 14/5 khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trấn an các nhà đầu tư và đồng thời xem xét các dữ liệu kinh tế mới…

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 126,60 điểm (+0,32%) lên 39.558,11 điểm, S&P 500 thêm 25,26 điểm (+0,48%) đóng cửa ở mức 5.246,68 điểm và Nasdaq Composite leo 122,94 điểm (+0,75%) thành 16.511,18 điểm.

Trong số 11 ngành công nghiệp chính thuộc S&P, tiêu dùng thiết yếu là mã giảm mạnh nhất, trượt 0,2%; trong khi đó, công nghệ là mã tăng mạnh nhất, thêm 0,9%.

Cổ phiếu của Alphabet tăng 0,7% sau khi công ty công bố cách họ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả chatbot Gemini được nâng cấp và các cải tiến cho công cụ tìm kiếm.

GameStop đã kéo dài đợt phục hồi gần đây, “phi mã” 60% lên mức 48,75 USD/cổ phiếu. Tương tự, AMC Entertainment cũng tăng gần 32% lên 6,85 USD/cổ phiếu và Koss Corp kết thúc tăng 40,7% lên 6,15 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu Home Depot đóng cửa giảm 0,1%, nối tiếp mức giảm hơn 2% trong phiên sau báo cáo hàng quý cho thấy doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng giảm nhiều hơn dự kiến do người Mỹ tập trung vào các dự án nhà ở quy mô nhỏ, chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng có giá trị lớn.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba mất 6% do báo cáo lợi nhuận quý 4 giảm tới 86%.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Li Auto giảm hơn 2% trong khi Tesla tăng hơn 3% sau tin tức về gói thuế quan mới của chính quyền Biden đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả xe điện, chip máy tính và sản phẩm ý tế.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 13,66 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,91 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 4 do chi phí dịch vụ và hàng hóa cao. Dữ liệu này đã khiến các nhà giao dịch thay đổi kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9.

Nhưng chính chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng mô tả báo cáo PPI là hỗn hợp, chứ không hẳn là nóng lên vì dữ liệu kỳ trước đã được điều chỉnh thấp hơn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ công bố hôm 15/4 để đánh giá xem liệu những bất ngờ tăng giá trong quý đầu tiên có kéo dài sang tháng Tư hay không.

Tuy nhiên, chứng khoán vẫn có các diễn biến lạc quan nhờ thu nhập quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và duy trì kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chỉ số tổng hợp thiên về công nghệ Nasdaq dễ dàng vượt qua mức đóng cửa kỷ lục ngày 11/4, trong khi S&P 500 kết thúc ngày ở mức thấp hơn chỉ khoảng 0,1% so với mức kỷ lục ngày 28/3. Chỉ số Dow Jones hiện thấp hơn mức kỷ lục chưa đến 1%, cũng đạt được vào ngày 28/3.

Các nhà đầu tư cũng được khuyến khích bởi nhận xét của chủ tịch Jerome Powell rằng ông không kỳ vọng động thái lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ là tăng, bất chấp lạm phát cao hơn dự kiến gần đây.

Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng của 248 Ventures chia sẻ: “Thị trường đang trở nên thoải mái hơn với lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Câu hỏi lo ngại được đặt ra là gần đây là liệu có khả năng sẽ phải tăng lãi suất hay không và chủ tịch Powell nhắc lại rằng điều đó hiện chưa được thảo luận”.

GIÁ DẦU GIẢM, OPEC GIỮ NGUYÊN DỰ BÁO VỀ NHU CẦU TOÀN CẦU

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ổn định ở mức thấp hơn vào 14/5 do các dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất giảm sút.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,1% xuống 82,42 USD/thùng, giá dầu thô WTI giảm 1,4% xuống 78,02 USD/thùng.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC duy trì dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 225 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, có khả năng thị trường sẽ đón nhận các tín hiệu về nhu cầu vững chắc hơn, với OPEC dự kiến rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần được cải thiện tích cực kể từ năm nay.

Dự báo không thay đổi được đưa ra vài tuần trước cuộc họp tiếp theo giữa OPEC và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Hayyan Abdul Ghani được cho là đã tiết lộ vào cuối tuần qua rằng Iraq sẽ tôn trọng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện do OPEC+ thực hiện tại cuộc họp sắp tới vào ngày 1/6. Điều đó trái ngược với bình luận hôm thứ Bảy của ông Ghani rằng Iraq đã thực hiện đủ mức cắt giảm tự nguyện và sẽ không đồng ý với bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng mới nào.

Các nhà phân tích tại ING cho biết: “Việc thiếu định hướng giá gần đây không có gì đáng ngạc nhiên do có sự không chắc chắn về những gì các thành viên OPEC+ sẽ làm đối với việc cắt giảm nguồn cung bổ sung của họ”.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-tang-tro-lai-sau-khi-fed-tran-an-thi-truong-post552160.html