Chứng khoán Mỹ: Thiếu lực đẩy, cổ phiếu nhuộm sắc đỏ

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường không nhận được chất xúc tác mới để thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Chỉ số Dow Jones sụt 62,42 điểm, tương đương 0,2%, xuống còn 31.438,26 điểm trong phiên ngày 27/6. Ảnh: CNBC

Chỉ số Dow Jones sụt 62,42 điểm, tương đương 0,2%, xuống còn 31.438,26 điểm trong phiên ngày 27/6. Ảnh: CNBC

Sau khi phục hồi mạnh trong tuần trước, thị trường Phố Wall đang chuẩn bị khép lại nửa đầu năm tệ hại nhất của giá cổ phiếu trong nhiều thập kỷ gần đây.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones sụt 62,42 điểm, tương đương 0,2%, xuống còn 31.438,26 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,3%, về 3.900,11 điểm, và Nasdaq Composite cũng giảm 0,7% còn 11.524,55 điểm.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm trong phiên đầu tuần khi nhà đầu tư cân nhắc liệu chứng khoán Mỹ đã chạm đáy hay chỉ đang phục hồi ngắn ngủi sau tình trạng quá bán trên thị trường. Chứng khoán Mỹ có thể nhận được hỗ trợ ngắn hạn trong tuần này, khi nhà đầu tư cân bằng lượng cổ phiếu nắm giữ vào cuối quý.

Các chỉ số trên sàn Phố Wall quay đầu đi xuống ở cuối phiên sau khi đi ngang vào đầu phiên.

Các chuyên gia phân tích lưu ý rằng bất kỳ dấu hiệu có ý nghĩa về lạm phát suy giảm đều là chất xúc tác tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Chuyên gia Ross Mayfield của Baird nói rằng các chỉ số giao dịch giằng co trong phiên này do chưa có một chất xúc tác rõ ràng nào để thị trường xác định phương hướng.

“Thời điểm hồi phục trong giai đoạn đầu cơ giá xuống, thị trường thường rơi vào trạng thái bán quá nhiều hoặc bi quan thái quá. Vì vậy, điều này không đủ để duy trì xu hướng tăng điểm, mà chỉ mang tính chất giải tỏa tâm lý đối với nhà đầu tư” – chuyên gia Mayfield nhận định.

Theo ông Mayfield, bất kỳ dấu hiệu nào về sự “hạ nhiệt” của lạm phát cũng sẽ là một chất xúc tác tích cực cho giá cổ phiếu.

Chuyên gia Tom Tzitzouris, trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu của Strategas, phát biểu với đài CNBC: “Từ thời điểm hiện tại, kỳ vọng lại được đặt vào khả năng lạm phát đạt đỉnh. Cho dù lạm phát có giảm với tốc độ rất chậm, thì mức độ biến động của thị trường tài chính từ giờ đến cuối năm cũng sẽ giảm đi nhiều. Ngược lại, nếu lạm phát tiếp tục tăng cao, thị trường sẽ lại biến động”.

Công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu là những lĩnh vực sụt giảm trong ngày thứ Hai, khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng. Cổ phiếu Electronic Arts và Take-Two Interactive lần lượt lao dốc 3,5% và 3,3%. Cổ phiếu Best Buy mất hơn 3,4%. Cổ phiếu Alphabet, Microsoft và Meta đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, có ba nhóm đi lên, năng lượng là ngành diễn biến tích cực nhất

Etsy là mã giảm mạnh nhất thuộc S&P 500 khi rớt 3,6% sau khi bị Needham hạ bậc. Cổ phiếu Spirit Airlines sụt gần 8% sau khi công ty cho biết sẽ chấp nhận đấu thầu tiếp quản mới nhất từ Frontier Group.

Trái lại, nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 2,8% với Valero Energy cộng 8%, Devon Energy leo dốc 7,5%, và Marathon Oil tăng gần 5%.

Cổ phiếu BioNTech tăng 7,2% sau khi hãng dược phẩm cho biết liều vaccine Covid-19 nhắc lại tạo được phản ứng miễn dịch hiệu quả với biến thể Omicron.

S&P 500 hiện đã hồi phục hơn 7% sau khi rơi vào trạng thái “thị trường gấu (thị trường đầu cơ giá xuống hồi giữa tháng này. Tuy nhiên, chỉ số hiện vẫn đang thấp hơn 19% so với đỉnh và thấp hơn 18% so với thời điểm đầu năm.

Chiến lược gia Christopher Swann của UBS lưu ý rằng thị trường có thể tiếp tục chứng kiến đợt biến động trong ngắn hạn trước những rủi ro như tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lo ngại về suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-thieu-luc-day-co-phieu-nhuom-sac-do.html