Chứng khoán Mỹ trượt khỏi mốc cao kỷ lục

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa giảm điểm vào 8/3 sau khi chạm mức cao kỷ lục trong phiên, với cổ phiếu chip đảo chiều và báo cáo về thị trường lao động cho thấy có nhiều việc làm mới hơn so với dự kiến cùng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng…

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 68,66 điểm (-0,18%) còn 38.722,69 điểm, S&P 500 mất 33,67 điểm (-0,65%) xuống 5.123,69 điểm và Nasdaq Composite trượt 188,26 điểm (-1,16%) thành 16.085,8311 điểm.

Trong phiên, S&P 500 và Nasdaq có thời điểm nhanh chóng đạt mức cao kỷ lục nhưng bắt đầu giảm tốc vào cuối buổi sáng.

Ngành có mức giảm lớn nhất trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 là công nghệ, đóng cửa giảm 1,8%. Tiếp theo là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mất 0,8% với lực cản lớn nhất đến từ chuỗi Costco.

Cụ thể, cổ phiếu Costco Wholesale đóng cửa giảm 7,6% do doanh thu hàng quý giảm so với ước tính và nhu cầu ảm đạm đối với hàng hóa có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Chỉ số Chất bán dẫn Philadelphia hoạt động kém hiệu quả và kết thúc ngày giảm 4% sau khi chạm mức cao kỷ lục.

Trong tuần, S&P 500 mất 0,26% trong khi Nasdaq giảm 1,17% và Dow Jones giảm 0,93%.

Cổ phiếu nhà sản xuất chip AI Nvidia đóng cửa giảm 5,6%, chấm dứt chuỗi sáu phiên tăng điểm. Vào đầu phiên, Nvidia đã tăng hơn 5%.

Broadcom mất 7% sau dự báo cả năm không gây ấn tượng với các nhà đầu tư và Marvell Technology lao dốc 11,4% vì dự báo kết quả quý đầu tiên thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

“Mọi người có thể đang loại bỏ một số cổ phiếu chip ra khỏi tâm điểm. Khi bạn đã có một thị trường tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm, thì những đợt giảm giá kiểu này là điều có thể thấy trước được”, chiến lược gia đầu tư cấp cao Charlie Ripley của Allianz Investment Management cho biết.

Nhóm cổ phiếu có mức tăng lớn nhất là bất động sản, thêm 1,1%, theo sau là năng lượng tăng 0,4%.

Cũng về mặt tích cực, cổ phiếu Gap tăng 8,2% sau khi nhà bán lẻ này đánh bại kỳ vọng của Phố Wall về kết quả quý 4, được hỗ trợ bởi sự điều chỉnh giá cả cũng như nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm cải tiến ở thương hiệu con Old Navy trong mùa lễ hội.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,29 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,08 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng việc làm ở Mỹ tăng nhanh trong tháng 2, với bảng lương phi nông nghiệp tăng 275.000 việc làm so với mức tăng dự kiến là 200.000.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,9% trong tháng 2 sau khi giữ ở mức 3,7% trong ba tháng liên tiếp, trong khi tốc độ tăng lương chậm lại còn 0,1% hàng tháng.

Dữ liệu vào tuần tới sẽ cho thấy giá tiêu dùng (CPI) và doanh số bán lẻ tháng 2, được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều tín hiệu hơn về triển vọng cắt giảm lãi suất.

Brian Price, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư của Commonwealth Financial Network nhận xét: “Theo dự đoán của tôi, xu hướng chung hiện nay sẽ là thị trường tiếp tục đi lên mà không đối mặt với chất xúc tác tiêu cực nào. Điều mà thị trường thực sự đang chú ý vào lúc này là lạm phát sẽ tiếp tục ở mức vừa phải và Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đóng cửa giảm 1% vào 8/3 và thậm chí ghi nhận mức giảm lớn hơn trong tuần do thị trường vẫn cảnh giác với nhu cầu yếu kém từ Trung Quốc ngay cả khi nhóm sản xuất OPEC+ gia hạn cắt giảm nguồn cung.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 88 cent, tương đương 1,1%, ở mức 82,08 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 92 cent, tương đương 1,2%, ở mức 78,01 USD/thùng.

Cả hai điểm chuẩn đều giảm trong tuần, với Brent giảm 1,8% và WTI mất 2,5%.

“Trong khi nguồn cung vẫn ở mức thắt chặt hơn do việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các lệnh trừng phạt đối với Nga làm chậm xuất khẩu, thì nhu cầu từ Trung Quốc dường như vẫn đang chênh vênh và mùa lái xe đường dài ở Mỹ vẫn chưa bắt đầu”, Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial đánh giá.

Nhằm hỗ trợ thêm cho thị trường, các thành viên OPEC+ do Arab Saudi và Nga dẫn đầu đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào quý 2 trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sản lượng tăng mạnh bên ngoài nhóm.

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô ở các nước OPEC+ đã tăng 212.000 thùng/ngày trong tháng 2 so với sản lượng tháng 1, theo dữ liệu và nghiên cứu của Rystad Energy.

Trong khi đó tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu xuống còn 504 giàn, mức thấp nhất kể từ ngày 23/2, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-my-truot-khoi-moc-cao-ky-luc-post549896.html