Chứng khoán Mỹ xóa sạch đà tăng, vì sao?

Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giảm kỷ lục vào hôm qua, giảm điểm nhanh chóng trước lúc đóng cửa và đã chính thức xóa sạch mức tăng từ đầu năm đến nay của 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500, trong khi chỉ số Nasdaq chính thức bước vào vùng điều chỉnh.

Dù kết quả kinh doanh lạc quan từ công ty Boeing đẩy cổ phiếu Nasdaq tăng 1,3% vào hôm qua và giúp chỉ số Dow tăng điểm vào đầu phiên giao dịch, tuy nhiên sau đó các nhà đầu tư đã gia tăng tâm lý phòng thủ và lực bán mạnh dần càng về cuối phiên.

Tháng 10 tồi tệ

Chỉ số công nghiệp Dow Jones lao dốc 606,11 điểm, tương đương 2,4%, xuống 24.583,42 điểm, chính thức mất mốc 25.000 điểm và tiếp tục ghi nhận có một trong những phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ số S&P 500 rớt 84,59 điểm, tương đương 3,1%, xuống 2.656,1 điểm, đánh dấnh phiên thứ 6 đi xuống liên tiếp. Đáng lưu ý là lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 sụt thêm 4,4%.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq bốc hơi 329,14 điểm, tương đương 4,4% xuống 7.108,4 điểm, theo đó đã giảm hơn 10% so với mức đỉnh cao nhất tại ngày 29/8, xác nhận dấu hiệu chính thức đi vào vùng điều chỉnh. Sự thua lỗ này cũng đánh dấu Nasdaq có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 18/8/2011 đến nay.

Tháng 10 đang trở thành một tháng đầy tồi tệ đối với cổ phiếu, đúng như dự đoán, với chỉ số S&P giảm 8,9% so với tháng trước, chỉ số Dow Jones giảm 7,1% và Nasdaq giảm 11,7% kể từ đầu tháng đến nay.

Phiên giao dịch hôm qua cũng đã đẩy chỉ số Dow xuống vùng thua lỗ, với chỉ số giảm 0,6% so với đầu năm. Chỉ số blue-chip này cũng giảm trong năm tuần liên tiếp vừa qua, ghi nhận chuỗi thua lỗ hàng tuần dài nhất kể từ 11/7/2008, thời điểm mà thị trường rơi trong sáu tuần liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 cũng đã ghi nhận sắc đỏ so với đầu năm, với giảm 0,7%.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, hôm qua tăng thêm 4,52 điểm lên 25,23, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/02/2018.

Tháng 10 tồi tệ của chứng khoán Mỹ

Vì sao bán tháo?

Sự sụt giảm mạnh vào hôm qua diễn ra giữa những lo ngại về sự phát triển kinh tế toàn cầu đang chậm lại và công bố thu nhập của nhiều công ty gây thất vọng.

Các nhà giao dịch trên Phố Wall đã đón nhận hàng loạt kết quả kinh doanh quý 3 công bố trong tuần này, bao gồm một số công ty vốn hóa lớn. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung đánh giá xem liệu việc tăng lãi suất cao hơn đã ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và tác động đến lợi nhuận của các công ty, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm. Trên hết, tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp được công bố cũng cho thấy dấu hiệu đình trệ bắt đầu xuất hiện do ảnh hưởng từ các hàng rào thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hôm qua, các hãng sản xuất con chip Texas Instruments và STMicroelectronics đều cảnh báo về sự suy yếu nhu cầu, sau dự báo đáng thất vọng hôm thứ Ba từ các ông lớn công nghiệp Caterpillar và 3M. Theo đó, cổ phiếu Texas Instruments lao dốc 8,5%, đẩy chỉ số bán dẫn Philadelphia sụt 6,6%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2014. Cổ phiếu Intel cũng giảm 4,7%.

Dữ liệu báo cáo mới nhất của FED cho thấy tiền lương và giá cả đang tăng lên nhưng không cao hơn tốc độ bình quân, và nền kinh tế cũng đang mở rộng chỉ với tốc độ trung bình. Tuy nhiên, số liệu theo dõi của FED về môi trường kinh doanh đã giúp củng cố quan điểm cho các nhà đầu tư rằng các vụ đụng độ thương mại là một mối đe dọa thực sự, không chỉ đối với nền kinh tế mà còn cho cả các thị trường, khi mà các nhà máy tại Mỹ đã tăng giá vì hàng rào thuế quan.

Doanh số nhà xây dựng mới đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, dấu hiệu mới nhất cho thấy lãi suất thế chấp gia tăng và giá cả leo cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhà ở.

Chỉ số quản nhà mua hàng (PMI) trong khu vực sản xuất do IHS Markit công bố đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng tại 55,9 điểm trong tháng 10, từ mức 55,6 điểm của tháng trước đó, trong khi PMI khu vực dịch vụ cũng tăng lên mức cao nhất trong hai tháng tại 54,7 điểm từ mức 53,5 điểm trong tháng Chín. Về cơ bản chỉ số này trên mốc 50 cho thấy các hoạt động tiếp tục được cải thiện.

Những khó khăn trong thị trường chứng khoán Trung Quốc và bất ổn chính trị gần đây tại châu Âu, xung quanh những xung đột về kế hoạch ngân sách của Ý với Liên minh châu Âu, cũng như nỗ lực của Anh để thoát khỏi EU đã kết hợp lại và làm tổn thương tâm lý nhà đầu tư.

Niềm tin đã thay đổi

Alec Young, Giám đốc điều hành Nghiên cứu Thị trường Toàn cầu của FTSE Russell đã đổ lỗi cho sự bán tháo vào hôm qua là đến từ những dữ liệu vĩ mô công bố quá tiêu cực. "Trong số đó có việc FED dường như quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất bất chấp có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu trở lại, khi mà Trung Quốc đang nỗ lực để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính giữa cơn bão thuế quan thương mại của Mỹ".

Ông lập luận: “Trong khi đó, lạm phát của Mỹ càng làm cho FED có ít lựa chọn hơn, khiến cho lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên, và điều này có thể làm chậm tăng trưởng trong năm tới. Cuối cùng, vấn đề ngân sách của Ý và các cuộc bầu cử giữ kỳ ở Mỹ đang đến gần đều là tâm điểm chú ý và có thể tác động tiêu cực đến tâm nhà đầu tư”.

Amanda Agati, đồng chiến lược đầu tư tại PNC Financial Services Group cho biết: "Niềm tin vào thị trường đã có sự thay đổi lớn trong những tháng gần đây”. Cô chỉ ra đợt bán tháo tại cổ phiếu Caterpillar CAT hôm thứ Ba là bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư đang có xu thế muốn bán theo tin xấu hơn là mua theo tin tốt.

Cô chia sẻ thêm: "Điều đó chắc chắn sẽ khiến thị trường trở nên ưa thích với các lực lượng bán khống. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu, theo đó các công ty có kết quả kinh doanh đánh bại kỳ vọng và dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt cho giai đoạn tới sẽ vẫn thu hút được dòng tiền, trong khi các công ty báo cáo kết quả thấp hơn kỳ vọng sẽ bị bán ra”.

Lance James, quản lý danh mục đầu tư tại RBC Global Asset Management thì cho rằng: “Sự kết hợp của 3 yếu tố gồm bất ổn của thương mại, tăng lãi suất của FED và sự tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã khiến các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn rất nhiều, do đó họ có thể dễ dàng bị tác động nếu có thêm bất kỳ tin xấu nào, dù đôi khi đó chỉ là một tin tức bình thường, và họ quyết định bán ra cổ phiếu”.

ĐỒNG AN

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm qua giảm 4,2 điểm cơ bản, xuống 3,122%, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10.

Chỉ số Shanghai trên sàn Thượng Hải hôm qua tăng nhẹ sau khi rớt đến 2,3% trong ngày trước đó, trong khi chỉ số Shenzhen của sàn Thâm Quyến lại trượt nhẹ.

Chứng khoán châu Âu phần lớn cũng chìm trong sắc đỏ.

Giá vàng giảm nhẹ, trong khi giá dầu thô phục hồi. Chỉ số USD Index tăng trước những lo ngại về tăng trưởng ở châu Âu và châu Á.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chung-khoan-my-xoa-sach-da-tang-vi-sao-16061.html