Chứng khoán ngày 26/3: Tâm điểm khối ngoại

Nếu không có chuyển biến cuối ngày của khối ngoại và trường hợp của SSI, thị trường nằm trong trạng thái 120 phút tẻ nhạt.

Tính từ mức cao nhất so với thấp nhất, VN-Index thay đổi trong phạm vi hẹp; giảm không quá 2 điểm, tăng không quá 3,5 điểm. Trạng thái giao dịch “buồn ngủ” diễn ra sau khi đà trượt xuất hiện 11 phút sau khớp lệnh liên tục. Nhưng ít nhất cũng đã có những chuyển biến cuối ngày, trong đó nổi bật là động thái khá đặc biệt của khối đầu tư nước ngoài. Sau phiên giảm điểm khá mạnh hôm qua, đến lúc này thị trường đã lấy lại cân bằng. Những thông tin quan trọng đã ra. Lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ nguyên. Dù không còn nhiều ý nghĩa so với diễn biến thực tế trên thị trường và chỉ điều chỉnh đối với các khoản vay ngắn hạn, nhưng quyết định của Ngân hàng Nhà nước ít nhiều tạo một chốt chặn tâm lý khi mà ám ảnh của lãi suất cao đã thể hiện ở phiên liền trước. Sau khi đạt mốc 506,4 điểm, một lần nữa VN-Index lại trở về với mẫu hình khá quen thuộc của những phiên đầu tuần. Sóng giảm đẩy chỉ số về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 500 điểm, chỉ cách 1,64 điểm. 1.250 tỷ đồng cho khoảng 2/3 thời gian của phiên, và chỉ khoảng 870 tỷ đồng trong sóng giảm kéo dài đó ít nhất cho thấy sự cân bằng của bên bán sau phiên hụt hẫng hôm qua. Không có hiện tượng bán tháo. Có thể 500 điểm là một chốt chặn tâm lý, phản ứng chỉ thực sự rõ nét hơn nếu chỉ số xuyên qua mốc điểm này. Tưởng chừng thị trường khép lại một phiên tẻ nhạt về biến động, bất ngờ diễn ra trong 15 phút cuối ngày của đợt khớp lệnh đóng cửa. Khối đầu tư nước ngoài tạo những đột biến cục bộ để thay đổi cảm giác “nhàm” kéo dài trước đó. Một lần nữa CTG được chú ý trong đợt khớp lệnh cuối cùng này. Không choáng ngợp với quy mô 1,1 triệu đơn vị đập bán và lực quét đối ứng như phiên ngày 19/3 vừa qua, nhưng quy mô trên 170.000 đơn vị vào cuộc đẩy giá lên sát trần là một hiện tượng so với sự giằng co quanh tham chiếu suốt thời gian trước đó. Lệnh bán quy mô lớn cũng chỉ xuất hiện ở 5 phút cuối. Giá CTG từ mức 28.300 đồng cuối đợt 2 nhảy vọt lên 28.900 đồng đóng cửa. Chiếm trọn cú đẩy đó là vai trò của nhà đầu tư nước ngoài; khoảng 90% lượng mua trong tổng 181.460 đơn vị được họ mua lúc này. Tương tự, một quy mô tương ứng trên 177.000 đơn vị bất ngờ vào cuộc trong đợt 3 tại VCB. Lại là cổ phiếu ngân hàng – thường có vị trí danh dự trong danh mục đầu tư của khối ngoại. Giá VCB từ 44.300 đồng và giằng co quanh tham chiếu trước đó cũng nhảy vọt lên 45.500 đồng. Một bản sao từ diễn biến của CTG có ở đây, khối đầu tư nước ngoài mua tới 189.250 đơn vị, tập trung ở đợt khớp lệnh đóng cửa. Tại BVH, nhà đầu tư nước ngoài cũng dồn mua ATC và đẩy giá tăng mạnh từ 43.400 đồng lên 44.000 đồng với lượng mua vào 293.980 đơn vị. Cổ phiếu của Bảo Việt thời gian gần đây đã quá quen thuộc với biến động mạnh và vai trò của nhà đầu tư ngoại. Bộ ba CTG, VCB và BVH trở thành những điểm nóng cứu rỗi cho một phiên có trạng thái “buồn ngủ” kéo dài trước đó. Đây cũng là những trợ lực để VN-Index có đường chuyển động tích cực trước giờ đóng cửa, dù chưa thể nói nhiều về xu hướng. Bên cạnh đó, SSI sau ngày điều chỉnh giá, thị giá trở nên “thấp” trong mắt nhà đầu tư và tạo sức lôi kéo mạnh. Hiện tượng chen mua giá trần, giao dịch nhỏ giọt hôm qua đã được thay bằng một quy mô bùng nổ: hơn 7,1 triệu đơn vị, khối ngoại cũng mua vào khối lượng lớn với 716.420 đơn vị. Điểm đặc biệt của SSI hôm nay là sự giằng co quyết liệt và quá nhiều biến động so với lịch sử giao dịch tại đây. 18 mức giá được thực hiện trong phiên là điểm ít thấy, cũng như phản ánh sự sôi động và kịch tính tại đây. 71,7% trong số hơn 7,1 triệu đơn vị khớp theo dư mua cũng là con số đáng chú ý, góp phần giải thích giá SSI từ mức tăng 1.800 đồng chỉ còn 400 đồng kết thúc phiên. Ngoài những điểm sôi động trên, đây là phiên có quy mô lớn trong giao dịch thỏa thuận trên HOSE, khi có tới hơn 15,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng (riêng EIB đã có tới hơn 9,1 triệu), ứng với giá trị 479 tỷ đồng.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20100326020711515p0c7/chung-khoan-ngay-263-tam-diem-khoi-ngoai.htm