Chứng khoán Rồng Việt: Tháng 9 cổ phiếu ngành dệt may mang lại nhiều cơ hội?

VDSC cho rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 960 – 1040 cho đến khi có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại cũng như cải thiện hơn về thanh khoản. Trong biên độ này, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình – nhỏ như TCM và STK sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ban Chiến lược của CTCP Chứng khoán Rồng Việt – VDSC vừa phát hành báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 với tiêu đề: “Cơ hội của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình?”. Theo đó, VDSC cho rằng, với kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 960 – 1040 điểm, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình – nhỏ sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

TCM của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, STK của CTCP Sợi Thế Kỷ là 2 đại diện điển hình của ngành dệt may trong nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có cơ hội tăng trưởng do triển vọng kinh doanh khả quan vào nửa cuối năm 2018 được VDSC khuyến nghị.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa đã hồi phục rất mạnh mẽ trong 2 tháng vừa qua

VDSC cho rằng, 2 doanh nghiệp nổi bật lên nhờ vào việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợ trở đi” theo yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Đồng thời TCM và STK đang có những bước đi đúng đắn nhờ vào công việc nâng cao chất lượng dòng sản phẩm hiện hữu, đầu tư nghiên cứu để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trong khối CPTPP để nắm bắt cơ hội trong ngành.

Đối với STK, việc tăng tỷ trọng đóng góp của sợi chất lượng cao Recycle (tái chế) sẽ giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp; việc triển khai dự án Trảng Bàng 5 sẽ giúp công ty nâng cao năng lực cung ứng sợi.

Đối với TCM, VDSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục cải thiện nhờ vào việc tăng sản lượng các đơn hàng khó từ đối tác Eland và thị trường khó tính Nhật Bản, đồng thời lợi nhuận hạch toán từ việc bán đất tại nhà máy sợi 4 trong quý III sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế.

VDSC đánh giá, xu hướng tăng trưởng tích cực của ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhờ vào làn sóng chuyển dịch đơn hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Đồng thời cơ hội mở rộng thị trường và cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA sẽ là các yếu tố thức đẩy sự tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Ngành dệt may Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực khi 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu lớn đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số như Hoa Kỳ (+10,4%), Trung Quốc (+43,1%), ASEAN (+33,9%) và Nhật Bản (21,9%).

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-khoan-rong-viet-thang-9-co-phieu-nganh-det-may-mang-lai-nhieu-co-hoi-3468047.html