Chứng khoán toàn cầu bừng sắc xanh

Các số liệu cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã tăng điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần 22-11, chấm dứt một tuần sụt giảm, nhờ những dấu hiệu tích cực về niềm tin của người tiêu dùng và doanh thu bán lẻ.

Chứng khoán toàn cầu tăng giữa lúc có nhiều chỉ số tốt về kinh tế thế giới

Chứng khoán toàn cầu tăng giữa lúc có nhiều chỉ số tốt về kinh tế thế giới

Đồng loạt tăng

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 0,4%, đạt 27.875 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, đạt 3.110 điểm và chỉ số hỗn hợp Nasdaq cũng tăng 0,2%, đạt 8.519 điểm.

Ông Adam Sarhan, Công ty 50 Park Investments, nhận định thị trường phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của người tiêu dùng bởi đây là nguồn lực chiếm 75% nền kinh tế Mỹ và hiện chi tiêu của người tiêu dùng đang rất mạnh, nhất là khi vào mùa mua sắm. Các nhà đầu tư hoan nghênh một báo cáo của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng cao hơn vào tháng 11.

Tại châu Âu, TTCK London tăng hơn 1%, trong khi TTCK Frankfurt và Paris tăng khiêm tốn hơn khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế của khu vực đồng EUR gần như bị đình trệ sau những tháng giảm sản xuất liên tiếp.

Tại châu Á, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei 225 tăng 0,3%, Hàn Quốc Kospi tăng 0,3% và Hang Seng tại Hồng Công tăng 0,5%.

Trước đó, khi mở đầu tuần mới vào ngày 18-11, TTCK Mỹ tăng kỷ lục nhưng đã giảm mạnh trong 3 ngày, sau đó do những bất ổn gia tăng liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Thông tin về thỏa thuận sơ bộ Mỹ - Trung vào đầu tháng 10 đã giúp cổ phiếu toàn cầu lên mức kỷ lục nhưng giảm lại trong tuần này khi đôi bên xoay xở vất vả hoàn tất thỏa thuận. Ngày 22-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với hãng Fox News rằng hai bên đã tiến tới rất gần việc đạt được một thỏa thuận, nhưng ông cũng không quá nôn nóng về điều này.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ông hy vọng một thỏa thuận đã gần đạt được nhưng ông cũng không “e sợ” đáp trả nếu cần thiết. Sự lạc quan còn đến từ sự kiện Ủy ban Truyền thông Liên bang bỏ phiếu vào ngày 21-11 để gán cho hai gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE là rủi ro an ninh quốc gia, một động thái ngăn cản họ tiếp cận chương trình trợ cấp của chính phủ.

Viễn cảnh sáng

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của Mỹ, đưa ra một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc cũng đang cần một thỏa thuận thương mại. Ông Nick Giacoumakis, Tập đoàn Đầu tư & Nghỉ hưu New England, nói về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch, rằng các cổ phiếu tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng này. Ông dự đoán điều này tiếp tục diễn ra vào năm 2020.

Thị trường tài chính nhìn chung đã tăng cao trong tháng này, báo hiệu sự lạc quan đang gia tăng của nền kinh tế toàn cầu chỉ vài tuần sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt suy thoái. Với năm 2019, chắc chắn sẽ có kết quả kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong một thập niên qua - phản ánh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các nhà đầu tư có thể thấy những đợt phục hồi “xanh” vào năm tới và không muốn bỏ lỡ thời cơ, khi IMF và các nhà dự báo khác dự đoán năm 2020 sẽ tốt hơn năm 2019.

Theo Financial Times, đến nay, các bằng chứng cho thấy sự trượt dốc trong nền kinh tế toàn cầu sắp kết thúc, dù tốc độ phục hồi vẫn được dự đoán yếu. Thị trường chắc chắn đang hướng tới một sự phục hồi rộng rãi. Với nhiều TTCK gần với mức cao nhất mọi thời đại, các nhà đầu tư tin rằng triển vọng lợi nhuận của công ty đã được cải thiện mạnh mẽ kể từ đầu quý 4. Lợi suất trái phiếu chính phủ, một chỉ số tốt về sự lạc quan kinh tế, đã tăng lên ở một số nền kinh tế tiên tiến, cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ không phải làm việc chăm chỉ để kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chung-khoan-toan-cau-bung-sac-xanh-630401.html