Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán toàn cầu lao dốc do những lo ngại về các lệnh phong tỏa mới ở Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm.

Các thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 25/4. Đà bán tháo lan rộng khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Bắc Kinh tăng mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phong tỏa Bắc Kinh sau Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác.

Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc giảm tới 5,1%, đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 22 tháng.

Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/2/2020, khi đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên làm rung chuyển thị trường chứng khoán nước này.

 Sắc đỏ tràn ngập các bảng điện tử do lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phong tỏa Bắc Kinh sau Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác. Ảnh: Reuters.

Sắc đỏ tràn ngập các bảng điện tử do lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phong tỏa Bắc Kinh sau Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác. Ảnh: Reuters.

Sắc đỏ tràn ngập

Các thị trường chứng khoán khác trong khu vực cũng đỏ lửa. Chỉ số Hang Seng Index của Hong Kong giảm 3,7%, còn Nikkei của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lao dốc lần lượt 1,9% và 1,7%.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/4, chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 lao dốc 2,1% tại London, còn chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp sụt giảm lần lượt 1,5% và 2,2%.

Chứng khoán Pháp đỏ lửa ngay cả sau thông tin Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử.

Thị trường châu Á và châu Âu đều giảm điểm sau phiên giao dịch ảm đạm hôm 22/4 trên sàn Mỹ. Chỉ số Dow Jones giảm khoảng 980 điểm, tương đương 2,8%, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu khả năng mạnh tay nâng lãi suất. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lao dốc hơn 2,5%.

Đà bán tháo tiếp tục lan rộng do những lo ngại về diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc. Hôm 25/4, hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 305 điểm, tương đương 0,9%, còn hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq đều lao dốc hơn 1%.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/4, chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh. CAC 40 - chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Pháp - lao dốc ngay cả sau thông tin Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh - thủ đô 21 triệu dân của Trung Quốc - đã bắt đầu xét nghiệm Covid-19 hàng loạt vào cuối tuần và đóng cửa các khu dân cư. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp kiểm dịch gắt gao hơn.

"Một số khu vực khác của Trung Quốc đã bị phong tỏa lâu hơn Thượng Hải. Nhưng việc Omicron lan rộng ở Bắc Kinh sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều", ông Jeffrey Halley - chiến lược gia thị trường cấp cao của OANDA - bình luận.

"Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ chuyển sang sống chung với virus. Điều đó có thể làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và giảm niềm tin của người tiêu dùng", ông cảnh báo.

Triển vọng kinh tế xấu đi

Kể từ tháng 3, nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với nhiều trung tâm kinh tế, từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm đến thành phố Thượng Hải.

Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Nhưng Thượng Hải là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất. Đáng nói, thành phố này chiếm 3,8% GDP của Trung Quốc và có cảng container đông đúc nhất thế giới.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ chuyển sang sống chung với virus. Điều đó có thể làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và giảm niềm tin của người tiêu dùng

Ông Jeffrey Halley, chiến lược gia thị trường cấp cao của OANDA

Hôm 24/4, Thượng Hải ghi nhận hơn 19.000 ca nhiễm mới và 51 trường hợp tử vong.

Nền kinh tế toàn cầu - vốn đang vật lộn với xung đột ở Ukraine và nguy cơ đình lạm - có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn lớn hơn do chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc.

Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới. Bất cứ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc cũng có thể dẫn tới tình trạng lạm phát trên thế giới.

Theo một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý quỹ do Bank of America Corp. thực hiện, niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2008. Dự báo về tình trạng đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát leo thang, tăng lên 62%.

Ngoài chứng khoán, giá dầu cũng lao dốc do lo ngại về các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Theo dữ liệu của Trading Economics, tính đến 18h ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 97,8 USD/thùng, giảm 4,19% so với 24 giờ trước đó. Còn dầu Brent được giao dịch quanh ngưỡng 102 USD/thùng, với mức giảm ngày 4,14%.

"Trung Quốc là một thị trường lớn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lao dốc sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cung - cầu trên thị trường quốc tế", ông Halley giải thích.

"Ngay cả khi nguồn cung dầu trên toàn cầu đang bị thu hẹp, chiến lược 'Zero-Covid' của Trung Quốc vẫn là một lực cản lớn đối với đà tăng của giá dầu", vị chuyên gia nói thêm.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-khoan-toan-cau-chim-trong-sac-do-post1312107.html