Chứng khoán toàn cầu đang 'lên đồng' như thế nào?

Một điểm chung tại các thị trường chứng khoán quy mô lớn trên toàn cầu từ New York, London tới Tokyo hiện tại đó là liên tiếp lập đỉnh cao.

Trong số 20 thị trường chứng khoán lớn nhất toàn cầu, 14 thị trường đã đạt kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Chỉ số MSCI ACWI theo dõi các thị trường phát triển và mới nổi cũng liên tiếp phá đỉnh.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 đều thiết lập kỷ lục mới, trong khi chỉ số Dow Jones Indestrial Average lần đầu tiên vượt mức 40.000 điểm.

Trong khi đó, các sàn chứng khoán lớn nhất tại châu Âu, cũng như chứng khoán Canada, Brazil, Ấn Độ, Nhật bản và Australia đều lập đỉnh mới hoặc gần mức đỉnh lịch sử.

“Từ góc nhìn vĩ mô, chưa có tín hiệu đáng ngại nào xuất hiện. Bức tranh toàn cảnh duy trì sự tươi sáng và nền tảng tích cực, đà tăng nhiều khả năng tiếp tục bùng nổ”, Salman Ahmed, người đứng đầu bộ phận chiến lược và vĩ mô toàn cầu tại Fidelity International chia sẻ.

Đà tăng 12.000 tỷ USD

Chỉ số S&P 500 đã thiết lập 24 kỷ lục mới kể từ đầu năm 2024 tới nay sau 2 năm giao dịch trầm lắng. Theo đó, vốn hóa thị trường Mỹ cũng tăng 12.000 tỷ USD kể từ cuối tháng 10/2023 tới nay.

Một trong những động lực chính tới từ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, khi các hoạt động kinh tế thể hiện sức chống trọi tốt và lạm phát hạ nhiệt. Chưa kể, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay.

Một động lực khác tới từ sức mạnh của công nghệ, đặc biệt là cơn sốt trí thông minh nhân tạo (AI). Các doanh nghiệp sản xuất chip AI khổng lồ như Nvidia Corp đóng góp khoảng 1/4 mức tăng của chỉ số S&P 500 trong thời gian qua. Cùng với đó, Microsoft Corp, Amazon.com Inc, Meta Platform Inc và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) cũng là trụ cột cho đà tăng phi mã của thị trường chứng khoán Mỹ.

Đáng chú ý, việc chỉ số Dow Jones đạt dấu mốc mới cũng là một tín hiệu tích cực, bởi chỉ số này ít phụ thuộc vào nhóm công nghệ, theo Dave Mazza, CEO Roundhill Investment.

Trước đó, thị trường đã có pha điều chỉnh trong tháng 4, nhưng không kéo dài, bởi lực mua giúp chỉ số tiếp tục đi lên. Đây là lý do tại sao chỉ số S&P 500 chưa giảm quá 2% trong 311 ngày qua - quãng thời gian dài nhất kể từ giai đoạn 2017-2018 tới nay.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đóng góp lớn cho đà tăng của S&P 500.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đóng góp lớn cho đà tăng của S&P 500.

Bất ngờ trước lợi nhuận doanh nghiệp châu Âu

Chứng khoán châu Âu cũng đang trong cơn sốt với các kỷ lục mới được thiết lập khi số liệu kinh tế cho thấy đà hồi phục tích cực đầy bất ngờ.

“Các số liệu liên quan tới hoạt động sản xuất – kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp hóa ra không tệ như những lo ngại trước đó”, nhóm chiến lược gia tại BNP Paribas chia sẻ, nhấn mạnh việc 3/4 số doanh nghiệp châu Âu có kết quả kinh doanh đúng như kỳ vọng, thậm chí cao hơn dự báo và lợi nhuận cải thiện. Điều này tạo động lực cho hoạt động của doanh nghiệp và đưa giá cổ phiếu lên cao hơn.

Ban đầu, đà tăng tích cực tập trung tại một số cổ phiếu nhất định, nhưng sau đó đã lan tỏa ra toàn thị trường kể từ tháng 2/2024. Dù vậy, 16 cổ phiếu đóng góp tới 50% mức tăng của chỉ số Stoxx 600. Trong đó, các cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho mức tăng của thị trường chung là Novo Nordisk A/S, ASML Holding NV và SAP SE.

Chứng khoán châu Âu lập đỉnh mới.

Chứng khoán châu Âu lập đỉnh mới.

Một diễn biến đáng chú ý tại thị trường châu Âu là việc thị trường nguyên vật liệu thô khởi sắc đóng góp tích cực cho thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P/TSX Composite tại Canada lập đỉnh cao nhất lịch sử thị trường này nhờ việc giá vàng và đồng lập kỷ lục. Canada là quốc gia có lĩnh vực khai khoáng phát triển và cổ phiếu của các doanh nghiệp lĩnh vực này chiếm tỷ trọng hơn 12% của chỉ số thị trường chung.

Nhật Bản quay lại đường đua

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 16% kể từ đầu năm 2024 tới nay, sau khi đã tăng 28% trong năm 2023. Những động lực chính cho thị trường tới từ chiến lược cổ vũ dòng tiền đầu tư, cải thiện chính sách cổ tức cho cổ đông, đồng yên mất giá so với USD và môi trường lãi suất âm chấm dứt.

Các chiến lược gia tại BlackRock Inc cho biết, đồng yên giảm giá có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài chần chừ. Tuy nhiên, giới đầu tư duy trì góc nhìn tích cực về triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp, đầu tư nội địa và tăng trưởng tiền lương tại thị trường Nhậtt Bản.

Không riêng Nhật Bản, Ấn Độ cũng là quốc gia có bước chạy quyết liệt trong thời gian qua, khi chỉ số S&P BSE Sensex tăng trưởng vượt trội, vượt qua thị trường Trung Quốc - vốn hay được xem là đối trọng. Động lực lớn tới từ các cam kết thu hút đầu tư quốc tế của chính phủ Ấn Độ và nền kinh tế phát triển nhanh.

Chứng khoán Nhật Bản vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn so với thị trường Mỹ.

Chứng khoán Nhật Bản vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn so với thị trường Mỹ.

Tư Thuần

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chung-khoan-toan-cau-dang-len-dong-nhu-the-nao-d215722.html