Chứng minh trong sạch, Huawei sẵn sàng ký thỏa thuận 'không có cửa sau' với Ấn Độ

Ngày 14/10, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc khẳng định sẵn sàng ký kết một thỏa thuận 'không có cửa sau' (no backdoor) với Ấn Độ nhằm giải tỏa các mối quan ngại về an ninh, trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang lên kế hoạch cho việc triển khai mạng 5G.

Huawei tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận 'không có cửa sau' với Ấn Độ để có thể triển khai dịch vụ 5G tại quốc gia này. (Nguồn: Swara jya)

Theo Bộ trưởng Viễn thông Ấn Độ Ravi Shankar Prasad, quốc gia vốn là thị trường không dây lớn thứ hai thế giới xét về số lượng người dùng này sẽ tổ chức đấu thầu triển khai dịch vụ 5G trước tháng 3/2020.

Hiện Ấn Độ vẫn chưa bắt đầu tiến hành các thử nghiệm về mạng 5G cũng như chưa đưa ra quyết định về việc cho phép hay cấm Huawei tham gia thử nghiệm, giữa lúc Mỹ đang nỗ lực nhằm ngăn chặn tập đoàn Huawei với cáo buộc các thiết bị có chứa "cửa sau" giúp Bắc Kinh theo dõi các nước khác.

Phát biểu bên lề triển lãm di động Ấn Độ có tên India Mobile Congress, Giám đốc Huawei tại Ấn Độ Jay Chen cho hay, tập đoàn sở hữu 28% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu này đang làm việc chặt chẽ với Ấn Độ để làm rõ lập trường về các giải pháp 5G, an ninh mạng và luật tình báo Trung Quốc.

Ông nói: "Ngay từ lúc đầu, tôi tin tưởng rằng ngành công nghiệp Ấn Độ, thị trường Ấn Độ sẽ chào đón Huawei, bởi tôi đã đóng góp rất nhiều với giá trị đặc biệt của mình. Tôi sẵn sàng ký kết một thỏa thuận không có cửa sau".

Liên quan đến Huawei, theo nhật báo Handelsblatt của Đức, Berlin đã sẵn sàng công bố một danh mục các quy định liên quan tới việc triển khai mạng 5G dựa trên một loạt các quy chuẩn kỹ thuật và thực tế, không cấm tập đoàn công nghệ này như Mỹ đã từng yêu cầu.

Theo nhật báo này, giới chức Đức yêu cầu các nhà mạng như Deutsche Telekom, Vodafone và Telefonica Deutschland, xác định và tăng cường các tiêu chuẩn an ninh đối với các hệ thống mạng trọng yếu.

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ cần phải được cơ quan chức năng về an ninh mạng của Đức – Cơ quan Liên bang về an ninh thông tin (BSI), chứng thực về độ tin cậy. Khách hàng sử dụng mạng có thể dùng tới luật pháp để loại bỏ các nhà mạng và yêu cầu bồi thường nếu như họ chứng minh rằng một thiết bị được sử dụng để theo dõi hay đánh cắp thông tin của họ.

Văn Chu

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chung-minh-trong-sach-huawei-san-sang-ky-thoa-thuan-khong-co-cua-sau-voi-an-do-102752.html