Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật

“Áp lực, mệt mỏi… nhưng khi thấy các con làm được những điều đơn giản như ngồi yên vào ghế 3 phút, bật ra những tiếng ê…a hay các con tự cầm thìa xúc cơm ăn là chúng tôi hạnh phúc lắm, quên đi mọi mệt nhọc…”. Đó là lời chia sẻ chân thành của chị Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Trung tâm Ánh Bình Minh (TP Tuyên Quang) luôn nói với mọi người mỗi khi ai đó hỏi về công việc của mình.

CHỊ Nguyễn Đoan Trang vốn là Thạc sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trung tâm Ánh Bình Minh do chị Trang thành lập vào năm 2016 và là trung tâm đầu tiên dành cho trẻ khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Dù đã lường trước những khó khăn, nhưng chị Trang vẫn không ngờ công việc này lại vất vả như vậy.

Trung tâm Ánh Bình Minh từ lâu đã trở thành ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật, tự kỷ.

Quả thực, cũng là giáo viên nhưng công việc hàng ngày của những giáo viên nơi đây không đơn thuần như các giáo viên khác. Ở đó, các buổi học mặc dù có giáo án nhưng giáo viên lại không đứng trên bục giảng và những giáo án đó dường như chưa bao giờ được dạy hoàn chỉnh. Bởi, đối tượng các cô dạy là những đứa trẻ không may mắn mắc các dạng khuyết tật, bị tự kỷ, bại não, down, chậm phát triển, tăng động…

Em thì không chịu tiếp xúc với ai, em thì quậy phá, có những em chậm nói, không nhận biết những điều xung quanh. Có em đã lên 7 - 8 tuổi nhưng chỉ như đứa trẻ vài tháng tuổi, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào, kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, tự đi vệ sinh. Có những em lại rụt rè, không dám nhìn vào cô giáo nhưng có lúc hiếu động quá mức lại thúc đầu vào tường hoặc cào, cắn cả cô và bạn khác.

Hoạt động chăm sóc, can thiệp trẻ tại Trung tâm Ánh Bình Minh.

Giờ học của những lớp học đặc biệt này không đơn thuần chỉ là dạy nghe, nói, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy mà còn là sự kiên nhẫn dạy từng từ, từng chữ. Suốt quá trình gắn bó với nghề, cô giáo Trương Thị Gàu chưa có tiết học nào được trọn vẹn bởi nhiều khi đang học các em bỗng la hét, gào khóc rồi đập bàn ghế thậm chí chạy ra khỏi lớp trong giờ học.

Cô bảo, mỗi đứa trẻ tại đây là một thế giới riêng đầy bí ẩn nên mỗi trẻ sẽ phải có "một giáo án riêng" cho mỗi ngày mà cô không thể biết trước. Có những điều tưởng như đơn giản ở trẻ khác như vỗ tay, gọi tên bố mẹ, hát, múa... lại là điều không hề đơn giản với trẻ tại trung tâm. Có những trẻ, cô hướng dẫn 10 lần, 20 lần, thậm chí 100 lần mới làm được hành động đơn giản nhất như ngồi ghế, khoanh tay.

Mỗi học sinh tại Trung tâm đều được giáo viên thiết kế bài giảng riêng biệt.

Dẫu chẳng phải do chính mình rứt ruột sinh ra nhưng chị Hoàng Thị Loan chăm sóc những đứa con của mình tại trung tâm bằng tình yêu thương vô hạn. Những ngày đầu đến lớp, cô Loan khá bỡ ngỡ vì kiến thức sư phạm của mình hình như “không có đất diễn” với những đứa trẻ đặc biệt này. Đa số trẻ ở đây bị ảnh hưởng trí não nên có trẻ dù 15 tuổi nhưng mức độ nhận thức chỉ như em bé 2-3 tuổi.

Nhìn cách chị Loan hướng dẫn các bạn nhỏ trong lớp từng bước vận động, đôi khi nghiêm khắc và nhẫn nại nhắc nhở các con chú ý thực hiện một hoạt động nào đó mới thấy hết được tấm lòng của chị giống như người mẹ thứ hai của những bạn nhỏ kém may mắn.

Chị Loan bảo, dạy trẻ tự kỷ là dạy từng kỹ năng, việc tưởng chừng như rất đơn giản, trẻ bình thường chỉ cần nhìn qua là biết cách làm theo nhưng với trẻ tự kỷ phải mất thời gian dài, có khi là cả cuộc đời. Từ việc học cách mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đều phải được hướng dẫn làm liên tục, tỉ mỉ, chi tiết thì các con mới có thể ghi nhớ và thực hiện. Cũng chẳng hề lạ lẫm khi cả tháng trời có bạn chỉ học một kỹ năng cài cúc áo hay đánh răng, để có thể tự làm một mình.

Việc dạy trẻ tại đây đòi hỏi sự kiên trì, tình yêu nghề của mỗi giáo viên.

Các giáo viên tại đây không chỉ tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mà có cô là y tá, giáo viên mầm non, thạc sỹ, cử nhân chuyên ngành tâm lí học… Hàng ngày, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ từ những động tác đơn giản nhất như nhai, thè lưỡi…đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, biết thông báo cho người khác khi muốn đi vệ sinh hoặc lúc đói bụng, cảm thấy mệt mỏi.

CHỊ Loan vẫn nhớ như in trường hợp bé Văn Phú Quang Minh, 12 tuổi khóc ròng rã đến mấy tháng trời mới quen cô, quen bạn. Để dạy bạn nhỏ này những kỹ năng đơn giản nhất như xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, đi vệ sinh… chị cũng mất rất nhiều công sức và thời gian. Mỗi sự tiến bộ tưởng như là bình thường và hiển nhiên đối với những trẻ bình thường khác lại là niềm hạnh phúc lớn lao đối với chị. Bé Quang Minh ngày nào còn khiến các cô lo vì những hành động không tự chủ do căn bệnh tự kỷ, tăng động thì giờ đã ngoan hơn, biết nghe lời các cô và có thể giao tiếp đơn giản.

Hay sự tiến bộ của bé Quan Trung Sơn, 9 tuổi là một kỳ tích đối với tập thể giáo viên tại Trung tâm. Từ chỗ không biết giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ kém, không nói được nhưng sau 3 tháng theo học tại đây dù phản ứng còn chậm hơn các bạn cùng trang lứa tuổi nhưng Sơn đã tiến bộ hơn rất nhiều so với những ngày đầu. Ngoảnh mặt lại nhìn và tiếng “dạ” lần đầu tiên của Sơn khiến các cô mừng đến ứa nước mắt. Em cũng là học sinh theo học tại Trung tâm đầu tiên đến bây giờ con đã có thể theo học hòa nhập tại trường tiểu học cùng các bạn đồng trang lứa.

Trẻ luôn được học theo phương pháp can thiệp 1:1 tại Trung tâm.

Hơn 6 năm đồng hành cùng con trên hành trình hòa nhập cộng đồng, với chị Nguyễn Thị Lan, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đó là chuỗi ngày đẫm nước mắt. Khi con 2 tuổi, thấy con có những biểu hiện lạ chị đã đưa con đi khám và được bác sĩ kết luận con mắc chứng tự kỉ. Cầm kết luận của bác sĩ trên tay, mọi thứ với chị như quay cuồng. Thời gian đầu chị rơi vào trạng thái hoang mang, không biết cách phải điều trị thế nào, bắt đầu từ đâu.

Đồng hành với con không hề dễ dàng, bởi bản chất con thường khép mình, rối loạn đa giác quan, rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Qua tìm hiểu, chị đã xin cho con theo học tại Trung tâm Ánh Bình Minh để mong con có môi trường tốt, giúp con hòa nhập cộng đồng. Điều mà có lẽ gia đình khó có thể làm được với con. Rất mừng con có tiến triển. Và nay, dù vẫn còn một số hạn chế trong quá trình hòa nhập cộng đồng do những ảnh hưởng từ bệnh nhưng con đã khôn lớn và hiểu chuyện, biết phục vụ cá nhân, giúp đỡ được công việc nhà và cả biết xấu hổ, cười tủm tỉm khi có người để ý hay nhìn mình.

Sự tiến bộ của học sinh luôn là niềm hạnh phúc với các cô giáo và phụ huynh.

Còn với anh Võ Khánh Linh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) may mắn hơn nhiều gia đình khi kịp thời phát hiện con có biểu hiện chậm nói và những hành động thái quá khi bé hơn 20 tháng tuổi. Sau khi cho bé đi khám và kết luận bệnh anh đã tìm hiểu và xin cho con vào học tại Trung tâm. Chứng kiến sự thay đổi từng ngày của con, vợ chồng anh vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Anh Linh chia sẻ, ngày trước tôi chỉ mong con gọi một tiếng bố hay tập trung nghe tôi nói. Sau thời gian học trung tâm con đã tiến bố, biết giao tiếp và nghe lời.

Niềm vui của anh Võ Khánh Linh khi thấy con tiến bộ từng ngày.

Trẻ đặc biệt nên phải có cách giáo dục đặc biệt, đi trên con đường đặc biệt. Và muốn thành công, các cô giáo nơi đây luôn phải tìm hiểu, tìm giải pháp để trẻ có được thành quả trên chặng đường tiếp theo. Hiện tại, Trung tâm có 14 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho hơn 70 trẻ tự kỷ, khuyết tật, trong đó có khoảng 20 trẻ tự kỷ đặc trưng. Niềm vui của những cô giáo dạy trẻ tự kỷ thật bình dị. Đó là những câu hỏi rất đỗi ngô nghê của con trẻ, là khi đến lớp trẻ biết chào cô, là cuối buổi học trẻ biết xỏ giày, đội mũ khi cha mẹ đến đón, là một tiết học không em nào chạy ra khỏi lớp là nụ cười trong veo và cái vẫy tay chào cô trước khi về… Chỉ cần chừng đó thôi cũng đã đủ làm cho các cô giáo nơi đây vô cùng hạnh phúc.

Mỗi trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là kết quả nỗ lực phi thường, là niềm vui, hạnh phúc của những “người mẹ đặc biệt" tại các Trung tâm. Sự tiến bộ mỗi ngày của các em khi được gia đình gửi gắm ở đây đã khẳng định những việc làm của các cô tuy bình dị mà rất đỗi cao quý.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hyper-text/e-magazine/chung-mot-tam-long-vi-tre-khuyet-tat-183325.html