Chung một tấm lòng với Thủ đô

Hội thảo "60 năm giải phóng Thủ đô thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” thu hút rất đông các trí thức tham góp ý kiến giúp Thủ đô phát triển bền vững trong tương lai. Người đưa ra giải pháp trong lĩnh vực kinh tế, người gợi ý cách gìn giữ truyền thống văn hóa và phát huy trong tương lai... Tất cả đều mong muốn xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được nét hào hoa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

GS. NGND Phan Huy Lê: Hà Nội phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước

Hà Nội có thể không đứng đầu cả nước về phương diện kinh tế, công nghiệp,… nhưng sau vai trò trung tâm chính trị, phải là trung tâm văn hóa tiểu biểu của cả quốc gia-dân tộc. Về mặt này Hà Nội đã có những ưu thế tuyệt đối do lịch sử hơn nhìn năm Thăng Long-Hà Nội tạo nên và công cuộc xây dựng, phát triển Hà Nội ngày nay phải phát huy được vị thế đó. Cả một lịch sử kinh đô hơn nghìn năm đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ và vô giá, sự mở rộng Hà Nội trong 60 năm qua tạo nên một không gian mới cho sự phát triển của thủ đô.

Di sản văn hóa của cả Hà Nội hôm nay trong đó di sản hơn nghìn năm đóng vai trò trung tâm cốt lõi, mỗi khi được bảo tồn và phát huy, mỗi khi thấm vào nhận thức và tình cảm mỗi con người, sẽ là một nội lực trọng yếu bảo đảm sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô Hà Nội ngày nay và mãi mãi về sau. Một thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại mang sắc thái và cốt cách tiêu biểu của truyền thống văn hóa ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, không chỉ qui tụ vào một trung tâm lịch sử mà còn tỏa rộng trên không gian đô thị rộng lớn”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Hình thành Thủ đô văn hóa

Theo ý kiến của cá nhân tôi, để lựa chọn con đường phát triển trong những năm sắp tới, Hà Nội cần phải trở thành Thủ đô văn hóa, trung tâm sáng tạo của đất nước và hướng tới vị trí quan trọng hơn của khu vực và châu Á. Khác với nỗ lực trở thành trung tâm tài chính, để trở thành trung tâm văn hóa, Hà Nội có nhiều tiềm năng hơn nếu biết khai thác và biến tiềm năng hiện nay trở thành hiện thực. Hà Nội có một vốn văn hóa phong phú để có thể trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, thậm chí là cả khu vực. Phát triển công nghiệp sáng tạo thường tập trung vào ít nhất ba khâu đột phá: Thứ nhất là tài năng sáng tạo; thứ hai là các tổ chức nghệ thuật; và thứ ba là tạo lập các không gian sáng tạo cho các nghệ sỹ, các mạng lưới, tổ hợp, trung tâm sáng tạo.

Hà Nội trong màu áo mới

Ảnh: Hoàng Long

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương: Phát triển kinh tế tri thức

Hà Nội phải chuyển hướng chiến lược từ phát triển dựa chủ yếu vào tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, năng lực trí tuệ của con người, từ sự coi trọng tăng trưởng GDP sang coi trọng hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, gia tăng hàm lượng tri thức, giảm mạnh tiêu hao năng lượng, nguyên liệu. 5 trụ cột Hà Nội ưu tiên phát triển trong công nghệ của kinh tế tri thức, gồm cơ khí tự động hóa, điện tử, năng lượng; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường. Để hiện thực hóa được định hướng nêu trên cần có giải pháp trúng, đúng. Theo đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trước mắt như xác định đúng những ngành sử dụng nhiều tri thức cần được ưu tiên phát triển trước. Tập trung nguồn lực đầu tư cho sáng tạo tri thức và sử dụng tri thức. Hà Nội cần đi đầu để khai thác những thuận lợi về số lượng và chất lượng lao động tri thức tập trung. Đồng thời, chủ động tạo lập môi trường thuận lợi cho sáng tạo luân chuyển, trao đổi và ứng dụng tri thức.

Ông Ken Yamamoto, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam: Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Tôi cho rằng, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện theo hướng bền vững; tăng cường cải thiện đời sống người dân. Trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển khoa học và kỹ thuật. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là lĩnh vực chuyển giao công nghệ.

Họp mặt kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội

Ban liên lạc Cán bộ hưu trí Hà Nội tại TP.HCM vừa tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2014) tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP.HCM).

Tại buổi họp mặt, gần 400 các cán bộ hưu trí Hà Nội qua các thời kỳ, nguyên lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, người dân Hà Nội đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã cùng nhau chia sẻ, ôn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội. Ông Nguyễn Lê Xá, Trưởng Ban Liên lạc cán bộ Hà Nội tại TP.HCM nhấn mạnh, hiện nay người Hà Nội đang sinh sống, học tập và lao động trên nhiều vùng miền của cả nước, trong đó có TP.HCM. Tuy nhiên, bằng nhiều tình cảm, hành động rất cụ thể, người Hà Nội đã hướng về thủ đô, ra sức lao động, cống hiến hết mình để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và giàu mạnh.

Trong điện mừng của chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cũng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội rất vui mừng khi biết các thế hệ người Hà Nội tại mọi miền tổ quốc nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và luôn hướng về thủ đô văn hiến.

Thành Luân

Nguyên Khánh (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=90987&menu=1367&style=1