Chứng nhiệt miệng ở trẻ em sẽ biến mất nếu mẹ làm ngay những cách đơn giản này

Nhiệt miệng là chứng bệnh phổ biến ở trẻ em, đặc biệt vào mùa nóng. Để chữa trị cho bé, mẹ chỉ cần sử dụng những nguyên liệu tự nhiên bôi lên vùng da bị nhiệt.

Nguyên nhân trẻ bị nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng tổn thương vùng niêm mạc miệng với những vết loét hình tròn hoặc bầu dục ở má, nướu, lưỡi gây xót và khiến trẻ cảm thấy khó khăn khi ăn uống. Trẻ bị nhiệt miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Nhiệt miệng là căn bệnh phổ biến ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

- Cơ thể trẻ thiếu các vi chất cần thiết như: Sắt, kẽm, folic, vitamin nhóm B...

- Trẻ vô tình cắn vào bên trong má dẫn đến nhiễm một số loại virus gây loét miệng.

- Trẻ bị bệnh, mệt mỏi, căng thẳng.

Ngoài ra, nhiệt miệng ở trẻ còn có thể là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.

Cách chữa nhiệt miệng ở trẻ em

Nhiệt miệng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em nhưng gây ra cảm giác khó chịu, chán ăn, hay quấy khóc. Nhiệt miệng sẽ hết trong vòng một tuần. Để giúp con nhanh khỏi chứng nhiệt miệng, mẹ có thể sử dụng một số cách đơn giản sau đây:

Húng quế

Lá húng quế có tác dụng trị nhiệt miệng hiệu quả cho trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Lá húng quế là loại rau gia vị phổ biến. Lá húng quế tính ấm, nhiều tinh dầu có tác dụng giảm đau, kháng viêm, làm lành vết thương. Khi trẻ bị nhiệt miệng, mẹ nên cho trẻ nhai từ 2 – 3 lá húng quế 6 lần mỗi ngày, liên tục trong vòng 3 ngày.

Mật ong

Mật ong có tính kháng khuẩn giúp các vết loét nhanh lành. Để trị nhiệt miệng cho trẻ, mẹ dùng một miếng khăn sữa mềm, sạch thấm mật ong rồi chấm vào vết loét. Vị thơm ngọt của mật ong sẽ khiến trẻ thích thú, trẻ sẽ không phản kháng khi cha mẹ thực hiện.

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng mật ong cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi vì dễ gây ngộ độc.

Dầu dừa

Thành phần axit lauric, axit dodecanoic trong dầu dừa có tính kháng khuẩn cao cùng các dưỡng chất khác sẽ làm giảm tình trạng nhiệt miệng trầm trọng ở trẻ em. Ngoài dầu dừa, mẹ có thể dùng sữa hoặc nước dừa cho trẻ súc miệng hoặc bôi trực tiếp lên vùng bị loét.

Cam thảo

Nước cam thảo ngọt, rất dễ uống khi trẻ bị nhiệt miệng - Ảnh minh họa: Internet

Cam thảo là vị thuốc dân gian trị hiệu quả chứng nhiệt miệng ở trẻ em. Mẹ chỉ cần đun sôi cam thảo trong vòng 15 phút, sau đó rót nước cho trẻ uống 4 – 5 lần/ngày để giải nhiệt, làm lành tổn thương do các vết loét gây ra.

Rau ngót

Lá rau ngót lành tính đối với phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị nhiệt miệng, mẹ dùng một nắm lá rau ngót rửa sạch, để ráo nước rồi giã lấy nước cốt, thêm vào vài hạt muối. Tiếp đến, mẹ dùng gạc sạch thấm nước rau ngót, bôi lên vùng nhiệt miệng ở trẻ liên tục 3 lần/ngày trong vòng 2 – 4 ngày.

Ngoài việc áp dụng các cách chữa nhiệt miệng đơn giản cho trẻ nói trên, mẹ cũng cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ trong thời điểm này. Trẻ bị nhiệt miệng cần tăng cường uống nhiều nước, bổ sung nhiều vitamin C, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào. Trẻ từ 4 tuổi trở lên có thể uống thêm nước rau má, nước râu ngô, bột sắn dây để giải nhiệt cơ thể.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/chung-nhiet-mieng-o-tre-em-se-bien-mat-neu-me-lam-ngay-nhung-cach-don-gian-nay-c21a284088.html