Chứng quyền: Những thương vụ lãi đậm trên thế giới

Thế giới đã ghi nhận những thương vụ đầu tư vào chứng quyền mang về khoản lãi khổng lồ như Berkshire Hathaway của Warren Buffett khi đầu tư vào Bank of America hay Chính phủ Mỹ đầu tư vào Tập đoàn Chrysler.

Đi vào lịch sử thế giới liên quan đến đầu tư vào chứng quyền (stock warrants), thương vụ Berkshire Hathaway Inc của Warren Buffett đã đi vào huyền thoại với khoản lợi nhuận mang về gần 12 tỷ USD.

Trước đó, Bank of America công bố lỗ 9.1 tỷ USD trong quý 2/2011 do đã bỏ ra 14 tỷ USD bồi thường cho nhà đầu tư bị thua lỗ khi mua chứng khoán được thế chấp bằng tài sản cầm cố trong cuộc khủng hoảng tài chính. Bank of America rơi vào cuộc khủng hoảng nợ xấu với nhiều vấn đề về tài chính, giá cổ phiếu Ngân hàng này chỉ quanh khoảng 7 USD/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu Bank of America

“Đánh liều” với rủi ro, Warren Buffett đã bỏ ra 5 tỷ USD đầu tư vào Bank of America để nhận về cổ phiếu ưu đãi và quyền mua 700 triệu cổ phiếu phổ thông. Theo thỏa thuận, chứng quyền mà Berkshire Hathaway sở hữu có quyền mua cổ phiếu Bank of America tại mức giá 7.14 USD/cp vào bất cứ thời điểm nào trước khi hết hạn vào năm 2021.

Vượt qua khó khăn, đến tháng 06/2017, Bank of America tuyên bố rằng sau khi vượt qua bài kiểm tra áp lực (stress test) hằng năm của Fed thì sẽ nâng cổ tức lên 0.48 USD/năm (cao hơn 60% so với trước đây). Đồng thời, giá cổ phiếu Bank of America lúc này cũng tăng lên mức 24.32 USD/cp.

Điều này khiến Berkshire cân nhắc thực hiện quyền trước hạn. Đến cuối tháng 06/2017, Berkshire Hathaway tuyên bố sẽ thực hiện quyền, tương đương giá trị cổ phần 17 tỷ USD trong khi giá thực hiện chỉ là 7.14 USD/cp. Thương vụ này mang về khoản lãi 12 tỷ USD cho Berkshire Hathaway của Warren Buffett.

Một thương vụ khác liên quan đến đầu tư chứng quyền nhưng với khoản lãi nhỏ hơn là giữa Bộ Tài chính Mỹ với Tập đoàn Chrysler. Theo đó, từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai năm 1979 khiến ông lớn hãng xe ô tô là Chrysler lâm vào cảnh khốn cùng, thua lỗ về doanh số và nợ nần, phải cầu cứu đến Chính phủ.

Một dòng xe Chrysler năm 1980

Vào năm 1980, Chrysler nhận khoản vay 1.2 tỷ USD được bảo đảm bởi Chính phủ để tránh bị phá sản. Đồng thời, Chrysler cũng phát hành cho Chính phủ quyền mua 14.4 triệu cổ phiếu Chrysler với giá thực hiện 13 USD/cp và đáo hạn vào năm 1990. Tại thời điểm đó, Chrysler đang trên bờ vực phá sản sau khoản lỗ 3.3 tỷ USD từ giai đoạn 1979-1981, giá cổ phiếu Chrysler chỉ khoảng 5.5 USD/cp.

Sau khoảng 2 năm, hoạt động kinh doanh của Chrysler hồi phục, giá cổ phiếu cũng tăng lên mức 30 USD/cp khoảng giữa năm 1983 và Tập đoàn có lãi 482 triệu USD trong nửa đầu năm. Với mức giá cổ phiếu trên thị trường gần 30 USD/cp, nếu thực hiện chứng quyền, Chính phủ Mỹ có thể mang về khoản lãi không nhỏ khi giá thực hiện chỉ 13 USD/cp.

Đến giữa tháng 9/1983, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Chrysler đã đồng ý mua lại quyền mua 14.4 triệu cp này với giá 311 triệu USD. Với thương vụ này, Chính phủ Mỹ mang về khoản tiền 311 triệu USD và khoản vay được hoàn trả sớm hơn 7 năm.

Theo Uyên Minh - FILI

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chung-quyen-nhung-thuong-vu-lai-dam-tren-the-gioi-20171022082329278p4c146.news