Chung sức đổi thay miền biên giới An Giang

Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã đóng góp sức lực, trí tuệ trong thực hiện phong trào 'Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới'. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới, xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Chiến Khu

Đổi thay vùng biên giới

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, trở thành hành động cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã tổ chức phát động sâu rộng phong trào đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong đó, các đơn vị cơ sở đồng loạt đăng ký thực hiện các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, tập trung thực hiện các tiêu chí phù hợp với khả năng, nguồn lực của đơn vị”.

Trong 10 năm qua, BĐBP An Giang đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân xây dựng được 442 căn nhà Tình nghĩa, nhà Đồng đội, nhà Mái ấm biên cương, Mái ấm cho người nghèo trên biên giới với tổng trị giá 18,9 tỷ đồng. Các đồn Biên phòng trực tiếp xây dựng, nâng cấp đường bê tông nông thôn được 10,7km; làm mới và sửa chữa 10 cây cầu, chữa cháy rừng 4,95ha... với 4.998 ngày công của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, các đơn vị còn vận động hỗ trợ tiền, quà, hiện vật cho người nghèo trên biên giới với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Nổi bật, BĐBP An Giang đã xây dựng 3 công trình dân sinh (trạm xá quân dân y kết hợp), 4 dự án nước sạch trị giá 13 tỷ đồng phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân khu vực biên giới.

Các đơn vị BĐBP An Giang phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động, hướng nghiệp cho nhân dân trên địa bàn, giới thiệu các mô hình, cách thức làm ăn để cải thiện đời sống, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phối hợp với Hội Nông dân tiếp nhận, cấp phát 3.960kg lúa giống cho 33 hộ nghèo khu vực biên giới; tặng 12 con bò giống cho hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình, trị giá 140 triệu đồng. Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 34 khóm, ấp gắn với 11 đồn Biên phòng trở thành điểm sáng văn hóa trên biên giới.

Những công trình, phần việc cụ thể của cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tuyến biên giới tỉnh An Giang có 3 xã được công nhận là nông thôn mới, gồm Vĩnh Tế (TP Châu Đốc), Khánh An (huyện An Phú), Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn); 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên), Khánh Bình (huyện An Phú).

Những mô hình tiêu biểu

Qua thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, như: “Ngôi nhà 100 đồng”, “Heo đất tình thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng rác 100 đồng”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà Tình thương”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Phòng đọc biên giới”, “Camera an ninh biên giới”...

Tiêu biểu phải kể đến là Đồn Biên phòng Nhơn Hưng phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Nhơn Hưng xây dựng mô hình “Phòng đọc biên giới”. Với hơn 100 đầu sách, báo các loại, hằng ngày, phòng đọc thu hút từ 30 đến 40 người đến đọc, nghiên cứu, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Hay như Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương với mô hình tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Đơn vị đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Xương và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn hỗ trợ tiền, cây cất nhà; cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng lực lượng Công an, Quân sự xã, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn tham gia giúp ngày công; hằng năm xây dựng được từ 4 - 5 căn nhà cho người nghèo nơi biên giới và 2 cây cầu dân sinh.

Các đồn Biên phòng tham mưu cho địa phương thành lập các tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới, góp phần cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” tại các bếp ăn tập thể của các đồn, trạm Biên phòng, cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm gạo qua bữa ăn hằng ngày để tặng các hộ nghèo trên địa bàn, góp phần giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo.

Những đóng góp thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn biên giới, tạo nền tảng vững chắc để củng cố tuyến biên phòng và xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chung-suc-doi-thay-mien-bien-gioi-an-giang/