Chung sức, đồng lòng cùng gánh vác trách nhiệm

Tham luận do Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Duy Tiến trình bày tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Văn phòng Quốc hội.

Vụ Pháp luật là một đơn vị thuộc VPQH, có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu, phục vụ Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trong năm 2022, Vụ Pháp luật đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Pháp luật các nội dung sau đây:

Về hoạt động lập pháp, Vụ Pháp luật đã tham mưu việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnhcủa các cơ quan; giúp UBTVQH lập, điều chỉnh Chương trình; triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; chủ trì phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết do Ủy ban Pháp luật chủ trì (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở). Đồng thời, tham gia phối hợp thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và rà soát, hoàn thiện kỹ thuật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án, dự thảo do HĐDT, các UB khác chủ trì trình Quốc hội tại 03 kỳ họp và nhiều phiên họp của UBTVQH trong năm 2022.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Duy Tiến trình bày tham luận. Ảnh: Hồ Long

Về hoạt động giám sát, trong năm qua, Vụ Pháp luật đã giúp Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đọan 2019-2021, bảo đảm chủ động, hiệu quả, đúng kế hoạch; đồng thời, tham gia phục vụ các Đoàn giám sát khác của Quốc hội, UBTVQH; phối hợp với các vụ, đơn vị trong VPQH chỉnh lý, hoàn thiện trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện thống nhất hoạt động giám sát VBQPPL của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, Vụ Pháp luật cũng đã tham mưu, giúp Ủy ban Pháp luật lựa chọn đúng, trúng chủ đề, tập trung vào những vấn đề nóng, được xã hội và người dân quan tâm để tổ chức thành công 2 phiên giải trình. Kết quả các phiên giải trình đã góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Vụ Pháp luật còn tham mưu, phục vụ Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức thực hiện và hoàn thành một khối lượng rất lớn các công việc quan trọng khác được Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Lãnh đạo Quốc hội giao với yêu cầu cao về chất lượng, gấp về thời gian. Bên cạnh đó, với vai trò là một đơn vị trong VPQH, Vụ Pháp luật cũng được Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo VPQH giao tham gia xây dựng nhiều đề án, văn bản do VPQH chủ trì (như Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của UBTVQH, một số quy chế, quy định của VPQH,...) và đều đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Báo Đại biểu Nhân dân cho Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền và Cờ thi đua của Chính phủ tặng Vụ Pháp luật cho Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Duy Tiến. Ảnh: Quang Khánh

Đạt được những kết quả nêu trên:

Trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao,đồng thời cũng luôn có sự động viên, khích lệ của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, cụ thể là Đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm VPQH; cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực, ý chí quyết tâm cao, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng gánh vác trách nhiệm, tận tụy, mẫn cán của tập thể công chức Vụ Pháp luật.

Thứ hai, quán triệt chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội với tinh thần “từ sớm, từ xa”, lãnh đạo, công chức Vụ Pháp luật luôn chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiếp cận dự án, dự thảo ngay từ giai đoạn soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; phối hợp với các vụ, đơn vị trong VPQH trong việc sắp xếp, bố trí thời gian, trao đổi chuyên môn, tạo sự đồng thuận ngay từ khâu tham mưu cho Thường trực Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo VPQH. Nhờ vậy đã rút ngắn được thời gian và đơn giản về thủ tục trong xử lý công việc. Đồng thời, Vụ Pháp luật cũng luôn có sự đổi mới, cải tiến trong cách thức triển khai công việc, trong phân chia nhóm, sử dụng người linh hoạt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, xử lý công việc; có nhiều sáng kiến về quy trình, cách thức tổ chức công việc được áp dụng và đem lại hiệu quả cao.

Thứ ba, công chức Vụ Pháp luật luôn đề cao tinh thần tự học, tự rèn, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để hoàn thiện bản thân. Việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ được thực hiện ngay trong quá trình xử lý công việc: Học các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban đến các đồng chí, đồng nghiệp ở trong và ngoài đơn vị; không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn học cả về cách thức, kỹ năng, phương pháp xử lý công việc một cách linh hoạt, hiệu quả,... Qua đó, giúp cho công chức Vụ Pháp luật ngày càng vững vàng, trưởng thành về chuyên môn, được lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban, lãnh đạo VPQH và các cơ quan ghi nhận, đánh giá cao.

Với những đóng góp tích cực của Vụ Pháp luật vào thành tích chung của Quốc hội, trong năm 2022, tập thể Vụ Pháp luật đã được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp; nhiều công chức của Vụ cũng đã được các Bộ, ngành ghi nhận và tặng bằng khen. Chính điều này đã là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với tập thể công chức của Vụ tiếp tục hăng say làm việc, cống hiến.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng qua thực tế hoạt động, Vụ Pháp luật vẫn thấy còn một số khó khăn, vướng mắc sau đây: Ngoài phục vụ xử lý khối lượng công việc giao cho Ủy ban, Thường trực Ủy ban là rất nhiều (kể cả trong kế hoạch và việc phát sinh), Vụ Pháp luật còn phải thực hiện các công việc khác do Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo VPQH giao. Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo Vụ còn mỏng; số lượng công chức vẫn còn thiếu nhiều so với số biên chế được giao, nên đội ngũ công chức Vụ Pháp luật phải hết sức nỗ lực, cố gắng, động viên nhau cùng làm việc ngày đêm, ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ nhật để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Vì thế nên không có nhiều thời gian để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, cập nhật thông tin, kiến thức.

Bên cạnh đó, đời sống của đội ngũ công chức cũng bị tác động nhiều bởi cơ chế thị trường, tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao trong khi tiền lương, thu nhập lại chưa cải cách phù hợp, chưa bảo đảm đáp ứng được nhu cầu đời sống, nên cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ công chức, người lao động.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao Giấy khen của Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan VPQH tặng Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân; Chi bộ Pháp luật; Chi bộ Tài chính – Ngân sách; Chi bộ Văn hóa, Giáo dục; Chi bộ Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc như đã chỉ ra ở trên, Vụ Pháp luật xin kiến nghị một số nội dung sau đây:

Một là, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, xử lý công việc theo tinh thần từ sớm, từ xa; có sự phân công, phân định rành mạch, rõ ràng trách nhiệm của tập thể, cá nhân; phát huy tối đa vai trò của cơ quan chủ trì trong việc chuẩn bị nội dungtham mưu, các cơ quan khác tham gia trong phạm vi lĩnh vực phụ trách;

Hai là, đề nghị tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa tối đa về quy trình xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; phát huy vai trò chủ động của các đơn vị chuyên môn. Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng chương trình, kế hoạch bảo đảm tính dự báo để hạn chế tối đa phát sinh, tạo điều kiện cho các cơ quan dành nhiều thời gian cho nghiên cứu chuyên sâu, khảo sát thực tế, tham vấn chuyên gia để xử lý các công việc chuyên môn theo kế hoạch một cách hiệu quả, chất lượng hơn;

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, chuẩn bị chương trình làm việc của Quốc hội, UBTVQH. Các cơ quan bảo đảm yêu cầu về thời gian gửi tài liệu đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để thẩm tratrước khi trình UBTVQH. Kiên quyết không xếp vào chương trình phiên họp những nội dung mà hồ sơ không đầy đủ hoặc gửi không đúng thời hạn. Tiến tới giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban qua thẩm tra dự án, dự thảo, nếu bảo đảm đủ điều kiện thì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo UBTVQH sắp xếp vào chương trình phiên họp, tránh việc đưa vào - rút ra khỏi chương trình do chưa có hồ sơ; qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan.

Bốn là, đề nghị Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo VPQH tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để có giải pháp, biện pháp đổi mới phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, qua đó kịp thời động viên, khuyến khích, tạo động lực để người lao động gắn bó, yên tâm cống hiến và tâm huyết với công việc. Đồng thời, quan tâm sớm kiện toàn tổ chức các đơn vị, sớm tổ chức thi tuyển để kịp thời bổ sung số lượng còn thiếu công chức làm tham mưu, giúp việc trong các đơn vị, trong đó có Vụ Pháp luật.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chung-suc-dong-long-cung-ganh-vac-trach-nhiem-i312828/