Chung sức, đồng lòng đưa đất nước bước vào giai đoạn mới

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề 'Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững' là sự kiện dân chủ, các vấn đề đưa ra vừa có tính chiến lược, vừa rất thời sự. Thông qua diễn đàn, một thông điệp rất nổi bật, đó là chúng ta phải cùng chung sức, đồng lòng để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết, khẩn cấp của nền kinh tế

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 có quy mô lớn, với nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây là diễn đàn có tính chất chiến lược; là phương thức quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.

Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh, đất nước ta đang có nhiều điểm sáng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tuy vậy tình hình kinh tế - xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức. Trong khi đó, một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Bên cạnh đó, Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật...

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu

Nhận xét về diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Nga bày tỏ: Những nội dung tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 rất thời sự, đáp ứng yêu cầu bức thiết và khẩn cấp của nền kinh tế, đúng như chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Trong một ngày làm việc tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu đã nêu ra các ý kiến rất thẳng thắn, cụ thể và sát thực tiễn, như: Phân tích, dự báo, gợi ý, đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội... giúp Quốc hội, Chính phủ có chính sách nhằm củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế; có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Thông qua diễn đàn, một thông điệp rất nổi bật, đó là chúng ta phải cùng chung sức, đồng lòng để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, “có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn”, giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tự thích ứng, linh hoạt và chủ động hơn

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Thực tế, hồi phục kinh tế không phải là vấn đề có thể làm ngay trong một năm, hai năm, mà cần có thời gian. Do đó, ngay sau diễn đàn, cùng với các giải pháp, chính sách được đưa ra, các địa phương cần phải tự thích ứng và linh hoạt, chủ động hơn. Bởi, hiện nay tỷ lệ giải ngân các gói thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương còn thấp. Đơn cử, đối với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), như đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm vừa qua, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Hà Tĩnh còn thấp, nằm tốp cuối của khu vực… Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần thiết lập cơ chế giám sát việc thực thi các chính sách thực sự khoa học, toàn diện để việc thực thi các chính sách đạt hiệu quả cao nhất.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2022

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách về đất đai để giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc về đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nộp giá trị m3, nhất là sửa đổi bổ sung Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ (giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét trong quá trình soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết các vướng mắc, bất cập của các đại phương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh)… Đồng thời, chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương tổng kết, rà soát Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 để tạo hành lang pháp lý cho HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.

Bà Nga nhấn mạnh: Hơn bao giờ hết, người dân, doanh nghiệp, xã hội đều đang chờ đợi những tác động, hiệu ứng trực tiếp của diễn đàn, đưa chính sách đến được với người dân, doanh nghiệp… nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu của năm 2022, tạo tiền đề bước sang năm bản lề 2023 để “bứt phá” thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/-chung-suc-dong-long-dua-dat-nuoc-buoc-vao-giai-doan-moi-i301079/