Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương

Dù ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, những người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng phải trải qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát. 'Đất nghèo nuôi những anh hùng. Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên. Đạp quân thù xuống đất đen. Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa'... Trở về quê hương, cùng với chính sách đền ơn, đáp nghĩa, hỗ trợ của Nhà nước, các cựu chiến binh, đặc biệt là thương, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ đã nỗ lực vươn lên, tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước.

Vững vàng trên mặt trận mới

Hơn ai hết, những chiến sĩ trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc hiểu rõ giá trị của cuộc sống yên bình. Bởi vậy, dù sống ở các địa phương khác nhau, đảm nhận vị trí công việc khác nhau, những chiến sĩ quả cảm năm xưa vẫn luôn vững vàng trên mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa, con người trong thời kỳ mới.

Trò chuyện với chúng tôi vào dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, thương binh Lê Thùy (sinh năm 1961), ngõ 70, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tháng 7-1984, tôi và các đồng đội tham gia chiến dịch đánh chiếm cao điểm 772, thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Trong chiến dịch này, máu của các chiến sĩ đã hòa vào lòng đất mẹ, vào dòng sông, dòng suối để góp phần giữ yên bờ cõi. May mắn còn sống để trở về, tôi luôn hứa với bản thân phải sống một cuộc đời thật ý nghĩa”.

Với tâm niệm ấy, ông Lê Thùy tích cực làm việc, nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa, được UBND quận Hai Bà Trưng biểu dương gia đình người có công tiêu biểu. Cá nhân ông Thùy cùng đồng đội sống tại Hà Nội tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, trợ giúp các trường học vùng biên giới thuộc huyện Vị Xuyên mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh, hỗ trợ người nghèo nơi đây có thêm nguồn sinh kế, vươn lên thoát nghèo.

Chiến đấu bảo vệ biên giới tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) vào những ngày tháng 2-1979, ông Vũ Đức Điện (sinh năm 1960), thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa) bị thương ở đầu và mắt. Do sức khỏe giảm sút, tháng 8-1981, ông Điện xuất ngũ về quê hương, hưởng chế độ thương binh ¾ và nhiều chính sách ưu đãi khác. Phát huy phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, ông Điện luôn coi sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng là động lực để vươn lên. “Không ngại gian khó, càng không sợ thất bại, tôi đã thử sức với rất nhiều công việc. Từ làm nông nghiệp, kinh doanh du lịch, dịch vụ, đến nấu ăn…, nghề nào mang lại nguồn thu nhập chính đáng, ổn định là tôi làm. Nhờ vậy, tôi đã nuôi 4 người con học hành đầy đủ, có việc làm ổn định...”, ông Vũ Đức Điện cho biết.

Ngoài những trường hợp nêu trên, TP Hà Nội và các địa phương khác còn nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là những tấm gương sáng giữa đời thường. Có thể kể đến như bà Lê Thị Hưng (sinh năm 1953), vợ liệt sĩ Lê Duy Thức, trú tại đường Trần Đăng Ninh, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa). Chồng hy sinh khi bà mới 26 tuổi, bà Hưng đã thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ hai bên, nuôi con gái trưởng thành và tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương. “Nhiều thương binh, bệnh binh, người có công nói chung, người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng đã vượt lên hoàn cảnh riêng, trở thành những nhân tố điển hình trên các lĩnh vực xã hội”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.

Tiếp tục quan tâm, chăm lo toàn diện

Trên thực tế, người có công trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hoặc làm nghĩa vụ quốc tế đều nhận được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên cả về vật chất và tinh thần của Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, mức sống của đại đa số gia đình người có công bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, cơ bản không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Tại TP Hà Nội, người có công vừa được thụ hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; vừa được hưởng các chính sách đặc thù. Nổi bật là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công 2 năm/lần; chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công có nhu cầu nâng cấp nhà ở. “Riêng năm 2018, toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 36 tỷ đồng, bằng 178,2% kế hoạch; tiếp tục vận động được hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 600 hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến nay, Hà Nội không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo hay gặp khó khăn về nhà ở”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, phong trào đền ơn đáp nghĩa cũng luôn được đẩy mạnh. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận đã cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh. Thời gian tới, quận Ba Đình tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt phương châm: Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu, tạo mọi điều kiện để người có công phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội.

Cùng với đó, từ năm 2018 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương cung cấp, khớp nối các thông tin, đưa Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ với tên miền http://thongtinlietsi.gov.vn vào hoạt động. Trang thông tin này đang lưu trữ cơ sở dữ liệu của gần 900.000 mộ liệt sĩ, hơn 2 triệu ảnh mộ liệt sĩ của hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên phạm vi cả nước.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong những năm tới, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa; việc rà soát bom, mìn sót lại sau chiến tranh sẽ tập trung ở những nơi có địa hình hiểm trở, nhất là ở các cao điểm 468, 772, 1509... trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, thuộc huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công với cách mạng cũng được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm.

Đáng chú ý, những điểm chưa hợp lý trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi người có công đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện nay chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt sau ngày 30-4-1975; mức trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế còn thấp… Những nội dung này được đề xuất điều chỉnh, bổ sung cũng có nghĩa là các chính sách dành cho người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn.

Có thể thấy, các cấp, ngành chức năng luôn quan tâm đến người có công nói chung, người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và bằng những tình cảm, trách nhiệm cao nhất.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/926957/chung-suc-dong-long-xay-dung-que-huong