Chúng ta đã tiếp quản Vùng mỏ như thế nào?

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, Khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả và Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Trung ương đặc biệt quan tâm đến việc tiếp quản Hòn Gai và Hải Phòng vì giải phóng được những nơi này là giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào tiếp quản mỏ than Đèo Nai. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh

Những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào tiếp quản mỏ than Đèo Nai. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh

Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh kế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử của Vùng mỏ, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng, trên cơ sở hợp nhất đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên.

Đảng bộ tỉnh Quảng Yên và Đảng bộ đặc khu Hòn Gai đã hợp nhất thành Đảng bộ khu Hồng Quảng. Để tiến hành công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu ủy đã quyết định thành lập thành hai Đảng ủy, gồm ở Hòn Gai và Cẩm Phả; ba ban cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà; thành lập hai ủy ban quân chính, phụ trách công việc tiếp quản ở các thị xã, khu phố và xí nghiệp; chỉ đạo việc xây dựng củng cố các ngành công an, kiểm sát và các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ và mặt trận.

Về lực lượng quân sự, Tiểu đoàn 48 và Tiểu đoàn 50 được bổ sung cho bộ đội chủ lực. Khu đội do đồng chí Tăng Văn Hội làm Khu đội trưởng, Phạm Hoành làm chính trị viên đã tổ chức Tiểu đoàn 51 (gồm các Đại đội 913, 915 và 23) và Tiểu đoàn cảnh vệ để bảo vệ cơ quan. Các Trung đoàn 244, 248, 238 và các Thủy đội 470, 471, 472 được giao nhiệm vụ hiệp đồng cùng bộ đội địa phương tiếp quản khu mỏ.

Nhân dân khu mỏ nhiệt liệt hoan hô bộ đội về tiếp quản. Ảnh: Thép Mới, phóng viên Báo Nhân Dân

Sách “55 năm chiến đấu xây dựng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh” do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Ninh xuất bản năm 1985, cho biết: Khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả là một trong những khu tập kết 300 ngày của địch. Với bản chất thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại ta về mọi mặt hòng làm tê liệt sản xuất và gây tình hình không ổn định trong nhân dân, để cho chính quyền cách mạng gặp khó khăn khi vào tiếp quản.

Thực dân Pháp đã tập trung sự cố gắng của chúng vào việc lừa gạt, dụ dỗ cưỡng ép nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo Công giáo và đồng bào các dân tộc thiểu số di cư vào Nam. Bọn chủ mỏ sa thải công nhân hàng loạt, tăng giờ làm, tăng mức khoán, cúp phạt, lưu lương, bớt gạo để hòng làm lung lay tinh thần công nhân mỏ.

Nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao và kịp thời của Đảng bộ Đặc khu, công nhân và nhân dân khu mỏ đã làm thất bại mọi thủ đoạn của thực dân Pháp và chủ mỏ. Các cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân khu mỏ đã diễn ra liên tục, quyết liệt từ những hình thức hợp pháp như làm đơn tố cáo, kiến nghị đòi thực dân Pháp và chủ mỏ phải tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ đến biểu tình, bãi công làm thiệt hại về kinh tế, thất bại về chính trị.

Nhờ đó, cho đến ngày thực dân Pháp phải rút khỏi khu mỏ, số người bị lừa gạt cưỡng ép di cư vào Nam chỉ là rất nhỏ. Ngay ở khu vực Cẩm Phả, nơi tập trung đông công nhân và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ bị cưỡng ép di cư cũng chỉ chiếm khoảng 2% dân số. Âm mưu cưỡng ép công nhân và nhân dân khu mỏ vào Nam của thực dân Pháp đã bị đập tan hoàn toàn.

Cùng với việc cưỡng ép di cư, thực dân Pháp và chủ mỏ cũng cố gắng di chuyển máy móc trái phép vào Nam và phá hoại những máy móc, thiết bị không thể lấy đi được. Tuy nhiên, nhân dân khu mỏ đã kiên quyết đấu tranh chống lại sự phá hoại và di chuyển máy móc trái phép đó. Tính từ ngày đình chiến đến ngày tiếp quản, khu mỏ đã có hơn 200 cuộc đấu tranh lớn nhỏ, trong đó có 18 cuộc đấu tranh chống cúp phạt, buộc chủ mỏ phải tiếp tục sản xuất.

Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955, trong sự chào đón tưng bừng của người dân. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh.

Ngày 8/4/1955, hiệp nghị về việc chuyển giao mỏ than Hòn Gai đã được ký kết, chính phủ Pháp chính thức công nhận chủ quyền của công nhân mỏ. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai.

Tác giả Nguyễn Thanh Sỹ (bút danh Thi Sảnh), nguyên Giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh, trong cuốn sách “Quảng Ninh” do NXB Văn hóa ấn hành năm 1982, nhận định: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp quân và dân Quảng Ninh đã dồn dập đánh nhiều trận, san bằng nhiều đồn bốt thắp canh, khép chặt vòng vây khu mỏ khiến giới chủ mỏ hoảng sợ vội vã thu vén đồ đạc đóng hòm xiểng chuẩn bị chuyển vào Nam. Nhưng đến ngày 24/5/1955, ngày mà thực dân Pháp không bao giờ ngờ tới sau hơn 72 năm thống trị đó là 300 ngày tập kết cuối cùng lực lượng Liên hiệp Pháp ở Bắc bộ theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ngày 24/4/1955, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng phải rời khỏi Vùng mỏ. Ngày 25/4/1955, chính quyền cách mạng đã tổ chức lễ mừng chiến thắng tại sân vận động Hòn Gai. Từ đây, nhân dân Vùng mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, từ giã kiếp sống phu của kẻ làm thuê để trở thành những người làm chủ hoàn toàn vùng mỏ của mình.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202004/chung-ta-da-tiep-quan-vung-mo-nhu-the-nao-2480576/