Chúng ta đang dạy trẻ hoặc trở thành quan hoặc thành nô lệ

(GDVN) - Buổi giao lưu bắt đầu lúc 9h sáng nay (17/11) và các chuyên gia đã "thảo luận" vô cùng sôi nổi với độc giả.

Dù cố gắng trả lời suốt gần 3 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc giao lưu.

Buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kinh nghiệm dạy con cả các GS - TS nổi tiếng" có sự tham dự của các khách mời:

- GS Hồ Ngọc Đại

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng

- PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác, mẹ GS Ngô Bảo Châu

- Nhà thơ Vũ Quần Phương

Các khách mời đã có mặt tại tòa soạn để cùng tham gia giao lưu trực tuyến với độc giả GDVN

Phan Hải (23 tuổi, Thanh Hóa) Thưa GS. Nguyễn Lân Dũng, là thành viên trong một gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt. Ông có thể chia sẻ cách dạy con của những người cha - người thầy trong gia đình?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Điều đầu tiên phải nói là bố tôi nuôi 8 người con trong điều kiện 2 cuộc kháng chiến rất vất vả. Có thể nói, nhà rất khó khăn về kinh tế, vì trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi là Giám đốc Giáo dục liên khu 10 rồi liên khu Việt Bắc nhưng lương chỉ được phát bằng mấy chục cân gạo. Bố tôi phải dành một nửa để đi kinh lý các trường trên một chiếc xe đạp, một nửa số gạo mẹ tôi phải lo để nuôi cả một đàn con. Chúng tôi học tập trong những điều kiện rất khó khăn, chân đi đất đến trường, thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu tự tạo, bằng hộp thuốc đánh răng tròn, bằng ruột của cây guột. Có thời gian, cơ quan bố tôi ở Yên Bái, cả nhà phải ăn bằng sắn lưu niên (sắn bà con bỏ quên lâu năm trên rừng), không thể luộc được mà phải nạo ra thành sợi rồi hấp chín. Bố tôi chấm muối ớt vừa khen ngon để động viên cả nhà.

Chính tinh thần làm việc và vượt qua gian khổ của bố mẹ có tác dụng giáo dục chúng tôi hơn rất nhiều những lời khuyên bảo. Chưa bao giờ bố tôi đánh mắng con cái mà chỉ là những lời khuyên nhẹ nhàng, những lời động viên kịp thời. Đến thế hệ chúng tôi cũng vậy. Tôi cho rằng: Đánh mắng con cái là hạ sách và rất ít tác dụng. Trẻ em cần sự yêu mến, sự động viên và rất kỵ sự ghét bỏ, sự đánh mắng.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng trăn trở với "núi" câu hỏi

Bùi Hải Hoa (Thái Bình): Thưa cô Hiền, cô có thể tiết lộ nho nhỏ với độc giả về cách giáo dục của nhà giáo Trần Lưu Hân - người cha đẻ của mình - với những người con của mình, cũng như với người cháu ngoại Ngô Bảo Châu được học không ạ?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ truyền thống của gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Gia đình tôi là một gia đình Hà Nội gốc, với cuộc sống thường ngày rất giản dị và sự học ấy cũng là một điều giản dị. Cụ Trần Lưu Hân là cựu học sinh của trường Bưởi, trong những năm Kháng chiến chống Pháp Cụ đã rời bỏ trường Tư thục đầu tiên do Cụ xây dựng. Nhưng trong suốt thời gian đó Cụ vẫn tiếp tục con đường học tập và sau khi Hòa Bình lập lại Cụ đã vào học khóa đầu tiên của ĐH Bách Khoa và Cụ đã viết và dịch rất nhiều sách kỹ thuật. Bản thân chúng tôi cũng sống và làm theo những điều mà cha mình đã làm. Chúng tôi từ nhỏ đã quen với việc học, yêu thích việc học, không chỉ học văn hóa mà còn học âm nhạc, hội họa. Thời ấy nhiều gia đình ở Hà Nội cũng làm như vậy. Sau này Châu lớn lên trong gia đình ông bà ngoại, bản thân Châu cũng từng nói là: “Châu rất yêu ông ngoại, rất thân ông ngoại”. Trước khi Châu đi Pháp học Châu chỉ có một thời gian rất ngắn để kiểm tra tiếng Pháp ở Sứ quán Pháp và chính ông ngoại là người thầy duy nhất dạy Châu tiếng Pháp.

Đình Hậu (dinhhauhhl@gmail.com): Kính thưa Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Giáo sư có bao giờ nghĩ, mình luôn là một "gánh nặng" lên vai những đứa con của mình. Bởi khi người con sinh ra, cha mình là một người tài giỏi, vậy con cái phải học làm sao để giỏi được như cha.

GS Hồ Ngọc Đại: Không có gì đặc biệt. Tôi không bao giờ có sức ép nào lên con mình. Trong hoàn cảnh gia đình tôi, với những đứa trẻ khác có thể rất đặc biệt nhưng với con tôi thì không. Nó không để ý đến điều đó và nó không bị sức ép từ điều đó.

Thậm chí, nó rất ngại những cái gì có tính chất ưu tiên, ví dụ: Hồi nhỏ, ông ngoại cho xe đưa đi học nhưng nó không chịu. Nếu trời mưa buộc phải đi thì xe của ông ngoại thì xe phải dừng đỗ cách rất xa trường học, để các bạn không ai nhìn thấy…

Hồi con tôi còn nhỏ, tôi rất bận rộn. Mẹ cháu có nói một điều: “Có một đứa con thôi mà anh cũng không chăm sóc, dạy dỗ được nó”. Tôi bảo: “Tôi lo cho hàng vạn, hàng triệu đứa trẻ như nó chứ đâu phải một mình nó…”

GS Hồ Ngọc Đại vui mừng đón nhận các câu hỏi của độc giả

Huỳnh Thi (TP.HCM): Thưa nhà thơ, con tôi mới học lớp 6, bây giờ về nhà là rất hay nói xấu thầy giáo rằng, thầy mượn cớ là thầy vay tiền gia đình bạn nọ, bạn kia, nếu không đi học thêm là thầy cho điểm kém, thường xuyên bị thầy sai đi mua thuốc lá nhưng không bao giờ đưa tiền…. Tôi rất lo lắng và các bạn cùng lớp của con tôi thì ai cũng xác nhận chuyện đó. Vậy tôi có nên chuyển trường con tôi để có một môi trường giáo dục khác tốt hơn không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trước tiên tôi khuyên bạn nên chuyển trường cho con. Còn hiện nay, khi chưa chuyển trường được thì cần phải biến yêu cầu của thầy thành sự tự nguyện chăm sóc thấy của mình sao cho cháu bé không cảm thấy áp lực về vật chất của thầy. Mặt khác bạn cũng cần thân ái trò chuyện với thầy để tình cảm thầy trò của con bạn tốt đẹp hơn.

Hà Huy (Phan Thiết): Ông từng chia sẻ với bạn đọc: "Trong suốt cuộc đời, bố tôi (cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa". Vậy khi có những điều không hài lòng về các con, cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã dạy bảo thế nào?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Trẻ em thường hiếu động và thiếu gì lúc có những lầm lạc trong hành xử, trong những trường hợp đó, bố tôi rất nghiêm khắc nhưng không có nghĩa là đánh mắng mà chỉ là nhắc nhở và phân tích điều hay, lẽ phải.

Bố tôi thường lấy những gương tốt của các trẻ em khác để giáo dục chúng tôi, chính vì cuộc sống và sự làm việc nghiêm túc của cả bố và mẹ đã làm chúng tôi tự giác nghe theo những lời khuyên bảo của bố mẹ. Nhất là trong những thời gian kinh tế gia đình rất eo hẹp. Sau ngày hòa bình lặp lại, mặc dù bố tôi là chủ nhiệm khoa ở ĐH Sư Phạm nhưng để nuôi cả một đàn con, mẹ tôi đã phải nhận bán đường cho mậu dịch.

Ngoài giờ học, anh em chúng tôi xúm vào cân đường và gói đường giúp mẹ, ngoài thời gian giúp mẹ, chúng tôi phải cố tranh thủ thời gian để học tập. Tôi tốt nghiệp ĐH sớm, khi mới 18 tuổi. Lương sau khi ra trường rất ít nhưng tôi đã cố gắng gửi về giúp mẹ nuôi 2 em Lân Việt và Lân Trung. Tôi không nhớ chuyện này nhưng 2 em tôi thường hay nhắc đến. Sự thương yêu và gương mẫu của bố mẹ có hiệu quả giáo dục tốt hơn rất nhiều so với sự đánh mắng nặng nề.

Nguyễn Trọng Tuấn (Phú Thọ): Như cô từng chia sẻ, do bận bịu công tác và làm nghiên cứu sinh, nên GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn thường vắng nhà và ít có thời gian gần gũi con. Như vậy, gánh nặng gia đình như dồn hết lên vai cô. Có bao giờ GS Châu khiến cô phải mệt mỏi và cáu gắt không?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Trong thời gian Châu học Tiểu học thì bố Châu đi làm Tiến sĩ ở nước ngoài chúng tôi vẫn sống trong gia đình ông bà ngoại. Nói chung trong thời gian đất nước đang chiến tranh các gia đình đều gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ chúng tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn đặc biệt về mặt kinh tế cũng dễ dàng vì truyền thống sống giản dị của gia đình. Chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Châu học văn hóa, học nhạc, học vẽ. Những năm tháng ấy khác nhiều so với bây giờ, gia đình và bạn bè chúng tôi dễ chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau. Có lẽ tôi hiền (nhiều người bảo thế) nên không bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi.

PGS Trần Lưu Vân Hiền

Thu Hà (thuha1889@gmail.com) : Kính thưa nhà thơ, rất nhiều phụ huynh có điều kiện ở Việt Nam hiện nay đều cho con em mình đi học trường quốc tế, nhưng phụ huynh cần phải quan tâm tới con cái như thế nào để các em ko bị "Tây hóa"?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đây là mối lo của rất nhiều gia đình sống ở nước ngoài. Gia đình cần phải cân bằng văn hóa của dân tộc với các nền văn hóa khác. Nhất là duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Tiếp đó là để tâm hồn trẻ được tắm mình trong văn hóa Việt như âm nhạc, văn học, nghệ thuật... Có những cuộc đi thăm khu di tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp có sự chuẩn bị kiến thức của bố mẹ về những địa điểm này để nói với trẻ. Việc đưa trẻ đi dự một đám giỗ trong dòng họ cũng có những ý nghĩa tích cực giúp trẻ hòa nhập văn hóa truyền thống Việt.
Nguyễn Bùi Phương Hà (Thanh Xuân, Hà Nội): Cháu chào PGS Trần Lưu Vân Hiền. Cháu hiện đang là một bà mẹ trẻ. Cháu rất hâm mộ cô vì cô đã cho đất nước Việt Nam một niềm tự hào lớn là Ngô Bảo Châu. Cháu rất mong cô chia sẻ cho cháu cách dạy con thế nào cho hợp lý?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi như thế này. Tôi cũng nuôi dạy con như nhiều gia đình khác. Tôi luôn nghĩ rằng con cái lớn lên với cách sống, cách suy nghĩ thường ngày của bố mẹ. Tôi có may mắn là Châu rất thích học vì vậy chúng tôi thường tìm kiếm những điều kiện tốt nhất về tài liệu và sự giúp đỡ của các thầy để Châu học được càng nhiều càng tốt. Có điều giúp con cách sống để trở thành người tử tế là điều rất quan trọng. Gần đây Châu có nhắc đến một câu chuyện là “ Hồi nhỏ mẹ tôi bảo tôi nói dối là tội lớn nhất trên đời. Lúc đấy tôi cũng không hiểu tại sao tội nói dối lại to như thế, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh thôi. Sau này tôi càng hiểu điều đó càng quan trọng với những người làm nghiên cứu khoa học như thế nào.”

Phải rèn những nhân cách chứ không phải tạo ra những quyển sách!

Phan Hải Trang (Bình Phước): Ông có nghĩ rằng, với cách chăm sóc con và chương trình học như hiện nay, những đứa trẻ không còn được "được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường của mình" và nguy hiểm hơn, những đứa trẻ đang trở thành "gà công nghiệp"?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đúng như vậy đấy và yêu cầu tất yếu là cần sửa đổi gấp chương trình của sách giáo khoa, chúng ta cần đào tạo những nhân cách, những bộ óc chứ không phải đào tạo những quyển sách. Đây là thời đại phổ cập internet toàn cầu, nếu bắt học sinh nhớ cả sản lượng than ở Balan thì thật vô nghĩa. Tôi rất buồn khi thấy chương trình sinh học ở phổ thông chẳng giống nước nào. Sau những lần đi công tác nước ngoài, tôi đã mua về 75 cuốn sách sinh học phổ thông của các nước khác nhau và giật mình khi thấy chương trình dạy ở nước ta chẳng giống nước nào.

Tất cả các môn học ở khoa sinh ĐH Sư Phạm đều được thu gọn lại để dạy ở bậc phổ thông. Một nước có nền giáo dục phát triển như nước Pháp mà không có môn sinh học Biology (mà chỉ có môn khoa học về sự sống và trái đất –Sciences de la Vie et de la Terre). Có nghĩa là: Học các khái niệm tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh chung cho mọi sinh vật, từ vi khuẩn tới người, chứ không đi sâu quá chi tiết vào từng nhóm sinh vật như chúng ta đang dạy.

Một chuyện đáng ngạc nhiên là ở Nepan, một nước nghèo vào loại nhất thế giới nhưng sách giáo khoa sinh học ở lớp 11 hay lớp 12 đều dày trên 700 trang. Tôi hỏi thì được biết họ quan niệm hết lớp 10 là đủ trang bị kiến thức phổ thông. 2 lớp 11 và 12 chia thành 4 chuyên bán sâu: Quản trị kinh doanh, khoa học Xã hội, khoa học Toán Lý, khoa học Hóa Sinh. Mỗi chuyên ban chỉ học có 4 môn, vì vậy, mỗi môn mới có sách giáo khoa dày đến như vậy. Làm như vậy, học sinh cần gì phải học thêm nữa. Mặt khác rất dễ khi vào các trường theo đúng chuyên ngành khoa học hoặc ra đời với những lĩnh vực mà mình đã có sự chuẩn bị về kiến thức.

Ở Nepan có 2 hệ học: 1 hệ học hoàn toàn bằng tiếng Anh từ lớp 1, số này về sau rất dễ làm tiến sĩ ở nước ngoài và trở thành lực lượng chuyên gia đông đảo của liên hiệp quốc. Hệ thứ 2, học bằng tiếng Nepan nhưng có môn tiếng Anh dạy liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, loại này rất dễ được nhận làm lao động xuất khẩu ở nước ngoài vì thừa đủ trình độ tiếng Anh giao tiếp.

Số người làm việc đông đảo ở nước ngoài đã giúp cho các gia đình của người dân Nepan thoát được nghèo khổ nhờ số tiền con em họ thường xuyên gửi về hỗ trợ cho gia đình.

Theo tôi, đổi mới giáo dục đâu cần nhiều tiền. Trước hết cần có một chương trình chuẩn đủ năng lực hội nhập quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Sao không giao nhiệm vụ này cho các Hội chuyên ngành kết hợp với các giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm? Nhà nước chỉ cần xin chương trình của nước ngoài thông qua các Sứ quán. Chỉ là chương trình chứ không cần sách giáo khoa – Tôi chắc rằng chẳng Sứ quán nào không sẵn lòng giúp đỡ ta.

Còn sách giáo khoa giống như ở nhiều nước khác là chuyện của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản, nhà nước cần gì phải chi ra một khoản tiền lớn cho việc in sách giáo khoa.

Khi thông qua luật Giáo dục, các đại biểu Quốc hội phản đối nhiều bộ sách giáo khoa chỉ vì đơn giản nghĩ rằng: Một bộ còn chẳng ra gì nữa là nhiều bộ. Thật ra không phải như vậy, càng có nhiều bộ sách càng có sự cạnh tranh để có những bộ thích hợp nhất. Thầy giáo, học sinh và phụ huynh đều toàn quyền lựa chọn bộ sách nào hay thì sẽ được bán nhiều, bộ nào không thích hợp thì có thể lỗ vốn.

Chương trình là cái quyết định, còn thể hiện trên sách giáo khoa thì mỗi nhóm tác giả có thể có một kiểu khác nhau. Tôi thấy trong sách giáo khoa ở Nhật Bản có rất nhiều tranh biếm họa, đâu có vi phạm gì tới nội dung chương trình nhưng lại giúp học sinh thêm hứng thú và dễ nhớ nội dung bài học. Sách giáo khoa của Pháp quy định nội dung mỗi bài học chỉ có 1,5 trang nhưng lại có nhiều trang để mở rộng kiến thức hoặc để tự trả lời các câu hỏi. Bộ sách nào cũng có nhiều tranh ảnh rất đẹp. Học sinh thường không phải mua mà mượn ở Thư viện nhưng phải giữ sạch sẽ để cuối năm có thể trả lại cho thư viện. Nếu làm bẩn thì phải trả tiền. Tôi không rõ lắm, cần gì phải có dự án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhiều đến 70.000 tỷ đồng (!).

Chọn lấy cái ít tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ

Nguyễn Hoàng Long (30 tuổi, Nghệ An): Hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường chưa tìm được việc làm thì dành thời gian đó học thạc sĩ. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không lý giải được vì sao lại học Thạc sĩ, mà chỉ trả lời đơn giản: Đằng nào cũng phải học. Như vậy là họ học mà không có mục đích rõ ràng. GS có lời khuyên gì cho họ?

GS Hồ Ngọc Đại: Đó là một giải pháp có thể chấp nhận được theo nguyên tắc: Chọn lấy cái ít tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ. Giải pháp ấy tương đối phổ biến trong xã hội hiện đại, trong những tư tưởng giáo dục đương thời vốn từ xưa để lại, tuy đã lỗi thời nhưng, vẫn còn tồn tại một thời gian khá dài nữa, khi nền giáo dục mới với những tư tưởng giáo dục mới, thể chế giáo dục mới đã có sức mạnh cần thiết.

Nói rõ hơn, khi nào việc học chưa trở thành việc thực học và khi nào việc thực học chưa mang lại những lợi ích thực tế trần gian. Rồi cũng có ngày, người đời sẽ coi trọng việc thực học, vì lợi ích thiết thực trần thế, vượt qua mọi ảo tưởng do việc học thời trước để lại. Thử xem những vị tiến sỹ có bia ở Văn miếu đã làm ra được những lợi ích gì thiết thực cho đất nước, cho đời sống của đại đa số nhân dân?

Nhưng hồi đó, người ta vẫn tôn trọng những người “văn chương chữ nghĩa bề bề…”. Ngày nay, người đời ngày càng tôn trọng việc “thực học” vì cuộc sống thực trần gian. Cần phải có thêm thời gian nữa, cũng nhanh thôi. Nhìn các cô gái hiện đại thì biết (trang phục, tóc tai, bạn trai,…) đang thay đổi từng ngày, từng giờ chứ đâu như mẹ tôi cả một đời mỗi khi có dịp trang trọng thì mang “áo cưới” ra mặc.

Việc thực học chỉ thực sự có thật khi nào không học thì không thể sống như mình mong muốn trong cuộc sống thực hằng ngày. Những người đi đầu trong việc này là những người đi “học nghề”: kể cả nghề làm báo, không học thì không thể làm được hoặc làm không bằng người ta.

Nguyễn Tuyết (nguyentuyet9091@gmail.com): Kính thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, cháu thấy trẻ nhỏ hiện nay ngoài chương trình học rất nặng lại cộng thêm các loại trò chơi điện tử, tivi rất hấp dẫn nên đa phần các cháu đều rất lười đọc sách. Ngay như nhà cháu có mấy đứa cháu con nhỏ của anh chị, dù đã cố gắng đưa những cuốn sách hay cho các cháu đọc. Nhưng có mình ở đó thì nó đọc còn vắng là nó vứt sách đó chạy đi xem tivi, chơi điện tử. Từ thực tế này, cháu muốn xin bác chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc hướng dẫn và tạo thói quen đọc sách cho anh nhà trước đây. Cháu cảm ơn bác.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đối với các con tôi khi còn nhỏ xã hội chưa phát triển nhiều phương tiện nghe nhìn nên chưa phải nỗi lo của tôi. Trong gia đình có ý thức thì cần hạn chế không để các loại phương tiện kia xuất hiện nhiều. Nếu đã có sẵn rồi, đi đâu cháu cũng có thể chơi game, xem tivi được thì cần hạn chế thời gian xem của các cháu. Bố mẹ phải kiên trì không được nổi nóng, bố mẹ cũng phải làm gương cho các cháu.

Trước tiên cần cho các cháu đọc theo thị hướng của cháu. Tạo không gian sách hay bao vây các cháu thay cho các công cụ nghe nhìn. Việc này rất dễ nhưng không có nhiều người thực hiện. Bố mẹ và con cái cùng tranh luận về một cuốn sách cũng là một kích thích cho trẻ.

Phương châm: Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc

Ông từng kể: "Từ lúc con rất nhỏ, tôi khá chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10. Khi đó Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con". Nhưng đó là ngày xưa, còn nếu ở thời điểm này, nếu là một ông bố trẻ, ông có làm những việc như thế nữa không? Trong khi đường phố HN giờ tan tầm không đường nào là không tắc? Để vượt hết đoạn đường từ trường về nhà là cả một gian nan với cả bố và con rồi, thì lấy đâu ra thời gian đi dạo Bờ Hồ, lấy đâu ra thời gian trò chuyện với con khi đi trên đường?

- GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đúng vậy, bây giờ đón được con và về được nhà một cách an toàn đã là tốt lắm rồi!

Tôi rất lo nếu đổi giờ làm việc thì nhiều khi đưa con xong, bố mẹ phải lang thang hàng tiếng mới đến giờ làm việc. Hoặc khi con đã tan trường rồi mà bố

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chung-ta-dang-day-tre-hoac-tro-thanh-quan-hoac-thanh-no-le/74105.gd