'Chúng ta hôm nay cần lát một viên đá trên đường đến thịnh vượng dân tộc'

'Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Từ 15giờ50 đến 16giờ35 chiều ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH).

“Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của QH, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Quy mô nền kinh tế đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa”

Thủ tướng cho biết, dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD)…

Thủ tướng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường đổi mới hơn 30 năm qua không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn là giúp chúng ta định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa.

“Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua”, Thủ tướng nói, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua, đến năm 2045, quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

"Mục tiêu trên là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kêu gọi, "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc Cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta".

“Nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”

“Khi chúng ta còn nghèo thì nhu cầu có thể chỉ là “ăn no mặc ấm” nhưng xã hội khá giả hơn, nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5- 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt.

Thủ tướng ví dụ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ sinh học…

“Tất cả những điều này đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa”, Thủ tướng nhận định.

Các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14. Ảnh: TTXVN

Nhưng từ cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Do vậy, cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao… Ngoài ra, theo quy luật phát triển, các quốc gia khi đạt mức thu nhập trung bình đều phải đối mặt với thách thức về lợi thế cạnh tranh.

Trước các vị ĐBQH, Thủ tướng nói, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

“Có câu nói: “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn”.

Theo Thủ tướng, nếu tất cả 63 tỉnh, thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

“Không để ai bị bỏ sót trong các chính sách phát triển”

“Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế; kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương; đẩy mạnh tinh giản biên chế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh…

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng... "Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, Thủ tướng phát biểu.

Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. “Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao”.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Lễ nhậm chức “tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng đề nghị, cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt các nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.

Cụ thể, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống; quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Thực hiện nghiêm túc nghị quyết của QH về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách Nhà nước hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020; bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài…

Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế; tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước…

“Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, sẽ chỉ đạo, triển khai cụ thể và sẽ báo cáo kết quả thực hiện với QH tại những kỳ họp tới đây”, Thủ tưởng kết thúc phát biểu.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/chung-ta-hom-nay-can-lat-mot-vien-da-tren-duong-den-thinh-vuong-dan-toc_t114c67n140714