“Chúng ta không thể sống khác đồng bào”

Trong bài Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết tháng 5/1960), Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Đời sống của Hồ Chủ tịch rất giản dị, thanh đạm. Hồ Chủ tịch thường nói: Nước ta còn nghèo, chúng ta không thể sống khác đồng bào. Bao lâu quen đời sống khắc khổ, Hồ Chủ tịch không thể có đời sống khác, không thể chịu lối sống xa hoa" (Phạm Văn Đồng - Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ). Thật vậy, Bác Hồ luôn luôn sống gần dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Lời nhắc nhở của Bác đối với cán bộ, đảng viên: "Chúng ta không thể sống khác đồng bào" thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô hạn, lối sống giản dị và khiêm tốn của Người - một phẩm chất đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp của Bác.

Bác Hồ luôn quan tâm sâu sát tới đời sống của đồng bào, chiến sĩ. Những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ đã phải kiếm sống bằng nhiều nghề bình thường nhất: nấu bếp, thợ ảnh...; sinh hoạt kham khổ với bánh mỳ không và vài ba bộ quần áo thợ thuyền. Những đêm rét buốt ở Paris, Bác phải nướng nhờ viên gạch trên bếp lò, rồi bọc báo lót dưới giường nằm. Bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, cuộc sống của Bác càng vô cùng cực khổ. Sau ngày giành được độc lập, nạn đói hoành hành, Bác Hồ đã vận động cán bộ và nhân dân bớt bữa, lập "Hũ gạo cứu đói" để giúp đỡ đồng bào nghèo và chính Bác làm gương về việc này. Những năm kháng chiến chống Pháp, Bác ở chung với đồng bào Việt Bắc, hoặc phải sống trong hang đá, cùng ăn chung với các đồng chí giúp việc. Hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, Trung ương Đảng muốn Bác đến ở tòa nhà to đẹp của Phủ Toàn quyền, nhưng Bác nhất quyết từ chối, mà chỉ ở căn nhà ngói bình thường vốn là nơi ăn ở của một nhân viên trông coi Phủ Toàn quyền ngày trước. Năm 1958, khi Bác đi thăm các nước bạn, Bộ Chính trị mới "bí mật" làm cho Bác một ngôi nhà sàn chỉ có vài ba phòng đơn sơ. Bữa cơm hàng ngày của Bác chỉ có vài ba món giản đơn, Bác thường thích ăn cá kho tương và cà pháo nén - những món ăn thường thấy của đồng bào Nghệ Tĩnh. Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hột cơm. Ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất để dùng cho bữa sau. Điều đó chứng tỏ Bác rất quý trọng công sức lao động của nhân dân và tôn trọng những người phục vụ. Năm 1957, Bác về thăm quê. Lúc ăn cơm với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một vài đồng chí khác, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: "Ăn hết, lấy thêm. Không ăn hết, để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình". Thấy chiếc xe Bác dùng, do Liên Xô tặng, đã quá cũ, Trung ương muốn thay xe mới cho Bác, nhưng Bác nhất định không thay xe. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết rất sâu sắc về Hồ Chủ tịch: "Rất lạ lùng, rất kỳ diệu là trong 60 năm của cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp". "Chúng ta không thể sống khác đồng bào"! Bác Hồ đã làm đúng như điều Bác nói, trở thành tấm gương sáng về lẽ sống "Tận trung với nước, tận hiếu với dân" và "Cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư". Đó là lối sống thủy chung như nhất, giản dị mà vô cùng cao đẹp - lối sống của "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (Di chúc) mà Bác Hồ kính yêu đã suốt đời thực hiện. Đào Ngọc Đệ

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20091021035640554p0c15/chung-ta-khong-the-song-khac-dong-bao.htm