Chúng ta ngây thơ khi nghĩ mình đã thoát mầm bệnh từ thiên nhiên

'The End of October' viết về đại dịch kinh hoàng. Tác giả nói tác phẩm không phải lời tiên tri cho Covid-19, nhưng nó là kết quả của nhiều nghiên cứu bệnh dịch từng xảy ra.

Cuốn tiểu thuyết của Lawrence Wright The End of October sẽ ra mắt vào tháng 4 là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Trên báo The New York Times, tác giả cho rằng cuốn sách không phải là lời tiên tri, nhưng sự xuất hiện của nó giữa lúc đại dịch tồi tệ nhất không hoàn toàn là ngẫu nhiên.

"Tôi thấy sợ khi những gì mình tưởng tượng đang thành hiện thực"

The End of October được bắt đầu từ một câu hỏi của nhà làm phim Ridley Scott - người đã đọc cuốn tiểu thuyết hậu tận thế ra mắt năm 2006 của Cormac McCarthy The Road. Ridlay Scott hỏi Lawrence Wright: “Điều gì đã xảy ra?” Làm thế nào văn minh nhân loại có thể bị phá vỡ như vậy? Làm thế nào chúng ta có thể không bảo tồn các thể chế và trật tự xã hội khi chúng ta phải đối mặt với điều gì đó bất ngờ - một thảm họa mà nhìn có vẻ như tất cả chúng ta không thể tránh khỏi?

Tiểu thuyết The End of October không phải dự đoán của Lawrence Wright cho đại dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, khi viết cuốn sách của mình, Lawrence đã cho rằng con người sẽ “ngây thơ và tự hào khi tin rằng chúng ta đã thoát khỏi những mầm bệnh mà thiên nhiên không ngừng nghĩ ra”.

 Bìa sách The End of October.

Bìa sách The End of October.

Trước đây Lawrence thiếu tự tin với quan điểm ấy. Năm 1998, bộ phim mà ông đồng viết kịch bản The Siege đặt ra một vấn đề tương tự: Điều gì sẽ xảy ra nếu khủng bố đến Mỹ, vì nó đã xảy ra ở London, Paris. Bộ phim đưa ra chi tiết những người Hồi giáo cực đoan đứng đằng sau các cuộc tấn công. Đó là một bộ phim phá sản về phòng vé, nhưng sau ngày 11/9 nó đã trở thành một trong những bộ phim được người Mỹ tìm xem nhiều nhất.

“Tôi cảm thấy đáng sợ khi tưởng tượng ra một tương lai khủng khiếp đã tiếp tục trở thành sự thật, thậm chí còn tồi tệ hơn. Bây giờ khi tôi đọc các bài báo và xem tin tức, tôi cũng có cảm giác bất ổn tương tự khi xem lại những cảnh mà tôi đã viết”, Lawrence nói trên Nytimes.

Khi đọc các bản tin về Covid-19, Lawrence liên tục đánh giá những gì ông viết trước đó đến nay đã thành sự thật, và cả những gì ông chưa lường tới. Ví dụ, kiểm dịch đã đóng một vai trò lớn trong tiểu thuyết của ông, virus bùng phát trong cuộc hành hương tới Mecca, với ba triệu người hành hương bị phong tỏa.

Thời điểm viết, Lawrence còn lo lắng những cảnh này trở nên phi thực tế. Nhưng đến nay, việc cách ly 11 triệu người ở Vũ Hán xảy ra mới khiến Lawrence cảm thấy những gì mình viết không hẳn là thiếu logic. Khắp thế giới đang cố gắng thực thi các biện pháp hà khắc tương tự.

“Những gì có vẻ như là lời tiên tri thực sự là thành quả của nghiên cứu”, Lawrence nói. Là một nhà văn, những gì xảy ra trong thực tế luôn khiến ông bất ngờ thay vì những gì xuất hiện trong trí tưởng tượng. Vì vậy, tác giả cố gắng đắm mình vào khoa học, lịch sử, kinh nghiệm của con người.

Tiểu thuyết không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng

Trong cả hai tác phẩm The SiegeThe End of October, tác giả cố gắng tìm hiểu những đại dịch, thảm họa tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Ông đã nói chuyện với các chuyên gia, những người có thể hướng dẫn ông tạo một câu chuyện hợp logic.

Đại dịch - cũng như chiến tranh và suy thoái kinh tế, mà chúng thường đi cùng nhau - thường để lại những vết sẹo lớn trên cơ thể lịch sử. Rất nhiều câu chuyện về các nền văn minh đi liền với cuộc đấu tranh sinh tồn. Những mầm bệnh đáng sợ nhất trong quá khứ như bại liệt, sốt phát ban, dịch tả… đã được con người kiểm soát hoặc loại bỏ.

Nhưng không thể phủ nhận dịch bệnh là những sự kiện khủng khiếp trong các vấn đề của con người. Bệnh dịch hạch đã giết chết khoảng 50 triệu người. Đại dịch hạch tiếp theo, được gọi là Cái chết đen, là tai họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người phát sinh năm 1334 và rình rập các tuyến đường thương mại của Trung Á, châu Âu cho đến khi nó lắng xuống 200 năm sau đó.

Nhà văn, nhà biên kịch Lawrence đã nghiên cứu nhiều tư liệu về dịch bệnh trong lịch sử để viết tiểu thuyết.

Quá trình nghiên cứu tư liệu để viết tiểu thuyết, Lawrence đã đọc được câu chuyện về bác sĩ người Italy Urbani - người hùng trong đại dịch SARS. Bản thân Urbani đã tiếp cận một bệnh nhân từ Hong Kong bay tới Hà Nội và lây nhiễm bệnh cho hàng chục người, trong đó có nhiều y bác sĩ tại bệnh viện Việt Pháp. Urbani đã đề nghị ngành y Việt Nam thực hiện cách ly triệt để, cảnh báo WHO về một đại dịch có thể xảy ra. Nhờ vậy, SARS đã được khống chế trong vòng 100 ngày. Nhưng Urbani đã chết trong cuộc chống dịch.

Năm 2012, MERS bùng phát ở Arab Saudi, lan sang Hàn Quốc, làm chết khoảng 10% những người nhiễm bệnh. Cả SARS và MERS đều gây tử vong cao, nhưng không dễ lây lan như nCoV.

Trong tiểu thuyết của Lawrence, ông đã đưa bệnh cúm thành nhân vật trung tâm. Căn bệnh này vẫn chưa được khắc phục, giết chết hàng chục nghìn người Mỹ mỗi năm và hàng trăm nghìn người trên thế giới.

“Tôi tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một chủng cúm hoàn toàn mới phát sinh, như cúm Tây Ban Nha năm 1918, đã lấy đi sinh mạng ít nhất 50 triệu người. Trong thời kỳ hiện đại, với hàng tỷ người đi du lịch, gặp gỡ và mua sắm, một căn bệnh như vậy sẽ tiến triển nhanh mức nào? Bao nhiêu người sẽ chết? Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế, chính phủ, nền văn minh của chúng ta? Sẽ mất bao lâu để phát triển vacxin?”, Lawrence nói.

Những gì mà Lawrence viết trong tiểu thuyết không hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ông đã tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người đang ở tuyến đầu chiến đấu với loại virus rất thật đang đe dọa chúng ta ngày nay.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chung-ta-ngay-tho-khi-nghi-minh-da-thoat-mam-benh-tu-thien-nhien-post1059795.html