Chúng ta sắp đón hiện tượng thiên văn 80 năm mới có một lần

Từ nay đến tháng 9/2024, chúng ta có thể quan sát hiện tượng tân tinh T Coronae Borealis phát nổ và phát sáng trên bầu trời.

Khi sao lùn trắng tiếp nhận vật chất từ sao đỏ, chúng sẽ nóng lên nhanh chóng rồi phát nổ. Ảnh: NASA.

Một tân tinh sắp xuất hiện trên bầu trời đêm phía bắc. Các nhà thiên văn học đã phải chờ gần 80 năm, tân tinh này mới xuất hiện trở lại.

Với lần trở lại hoành tráng này, chúng ta có thể nhìn thấy tân tinh bằng mắt thường trong vòng một tuần, và sau đó, nó sẽ biến mất, nhanh như cách nó xuất hiện trên bầu trời đêm.

Nhân vật của sự xuất hiện chớp nhoáng này được gọi là T Coronae Borealis (viết tắt là T CrB). Đây là một tân tinh tái diễn lần đầu được phát hiện vào năm 1866.

T CrB nằm trong chòm sao hình móng ngựa có tên là Corona Borealis, hoặc chòm sao Bắc Miện - cách Trái Đất khoảng 3.000 năm ánh sáng.

Theo National Geographic, lần cuối cùng T Coronae Borealis phát nổ là vào năm 1946. Hiện, các nhà thiên văn học xác định khoảng 10 tân tinh tái diễn tồn tại trong thiên hà Milky Way.

Vì sao T CrB lại xuất hiện trên bầu trời

Ánh sáng phát ra từ T CrB không phải kết quả từ một vụ nổ của thiên thể vũ trụ giống như các tân tinh khác, mà là một "điệu nhảy thiên đường" giữa hai ngôi sao sắp chết quay quanh nhau.

Trong hai ngôi sao này, một ngôi sao lớn hơn - màu đỏ và có khối lượng gần bằng mặt trời - đang dần mất đi hydro và heli. Một phần vật chất trên ngôi sao đỏ này sẽ được giải phóng và rơi vào sao lùn trắng - ngôi sao còn lại trong "điệu nhảy thiên đường" này.

Mặc dù có kích thước gần bằng Trái Đất, sao lùn trắng lại có lượng vật chất nhiều hơn Mặt Trời khoảng 40%, nên chúng có kết cấu rất đặc.

Các nhà khoa học ví vụ nổ tân tinh T Coronae Borealis giống như "điệu nhảy thiên đường" giữa hai ngôi sao sắp chết. Ảnh minh họa: BBC.

Khi sao lùn trắng đón nhận vật chất từ người bạn đồng hành, nhiệt độ của nó sẽ ngày càng tăng, kết cấu cũng ngày càng đặc hơn. Cuối cùng, cứ khoảng 80 năm một lần, sao lùn trắng này sẽ đạt đến giới hạn và phát nổ.

Giáo sư Sumner Starrfield tại Đại học Arizona State (Mỹ), cho biết ông và đồng nghiệp đã theo dõi T CrB từ rất lâu. Vài năm qua, nó trở nên sáng hơn bình thường và giờ đã mờ đi đôi chút.

Ông Starrfield dự đoán hiện tượng này có thể là dầu hiệu cho thấy vụ nổ tân tinh T CrB sắp xảy ra, vì nó cũng có những dấu hiệu tương tự lần phát nổ vào năm 1946.

Quan sát T CrB như thế nào

Các nhà khoa học cũng không biết rõ khi nào T Coronae Borealis sẽ "phát nổ". Họ dự đoán sự kiện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 9/2024.

Khi hiện tượng này xảy ra, những người thích ngắm sao sẽ có cơ hội ngắm cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời, nhưng cũng rất chớp nhoáng.

Giáo sư danh dự Bradley Schaefer tại Đại học Louisiana State (Mỹ), một trong những người nghiên cứu về T Coronae Borealis, cho biết hiện tượng này diễn ra rất nhanh và chỉ duy trì độ sáng "hết cỡ" trong khoảng vài giờ, rồi sau đó mờ đi nhanh chóng, cuối cùng là biến mất trên bầu trời sau khoảng một tuần. Khi đó, chúng ta sẽ không thể quan sát T Coronae Borealis bằng mắt thường.

"Khi ngôi sao phát nổ, các nhà thiên văn học sẽ quan sát và theo dõi sát sao. Nhóm nghiên cứu của ông Starrfield dành thời gian làm việc trên kính thiên văn không gian James Webb để quan sát hiện tượng này và xác định khối lượng vật chất được đẩy vào không gian trong quá trình này", giáo sư Bradley Schaefer thông tin.

Ngoài nhóm nghiên cứu của giáo sư Starrfield, một mạng lưới các nhà thiên văn nghiệp dư cũng sẽ quan sát hiện tượng này và cùng ghi lại các dữ liệu.

Mỹ có một hiệp hội gọi là Hiệp hội các nhà quan sát sao biến quang Mỹ (AAVSO). Trong vài năm gần đây, trung bình 10 phút lại có một điểm dữ liệu mới được cập nhật. Một trong những thành viên của hiệp hội này tuyên bố mình sẽ là người đầu tiên phát hiện vụ nổ sắp tới.

"Nhiều người quan sát T CrB vì mọi người thích những thứ phát nổ. Nhiều nhà thiên văn nghiệp dư muốn trở thành người đầu tiên khám phá hoặc nhìn thấy hiện tượng này", Giám đốc điều hành AAVSO Brian Kloppenberg cho biết.

Giáo sư Sumner Starrfield cũng đã có kế hoạch cho riêng mình và ông quyết tâm không bỏ lỡ hiện tượng này.

Khi vụ nổ tân tinh xảy ra, các nhà thiên văn học dự đoán T CrB sẽ phát sáng rực rỡ như chòm sao Bắc Đẩu.

"Khi nghe tin T CrB xuất hiện, bạn không cần đến kính viễn vọng. Tất cả những gì bạn cần làm là bước ra ngoài và nhìn lên bầu trời đêm quang đãng", giáo sư gợi ý.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chung-ta-sap-don-hien-tuong-thien-van-80-nam-moi-co-mot-lan-post1470963.html