Chung tay bảo vệ trẻ

Thời gian qua, các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, gây phẫn nộ trong dư luận và được xã hội đặc biệt quan tâm.

Thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trẻ em toàn tỉnh là trên 221.491 trẻ, trong đó có 3.627 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực…

Theo ngành chức năng, để giảm tình trạng trẻ bị xâm hại, cần tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu. (ảnh minh họa)

Xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp

Năm 2023 ghi nhận có 24 trường hợp trẻ em bị xâm hại, giảm 19 vụ so với năm 2022. Trong quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ liên quan đến trẻ em, trong đó 2 trẻ bị hiếp dâm, 3 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục và 1 trẻ tử vong do đuối nước.
Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra ở trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Ông Trần Trọng Nguyên, Phó trưởng Phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết, tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân do công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, từng thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em; nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức.

Qua các vụ việc cho thấy, thủ phạm xâm hại trẻ em thường là người quen của trẻ em, lợi dụng sự gần gũi với gia đình và trẻ em; những đối tượng lạ mặt lợi dụng hoàn cảnh như: đường vắng, trẻ em ở nhà một mình, sử dụng chất kích thích, việc tiếp cận các phim ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy… để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Mặt khác, đối tượng thường nảy sinh ý định phạm tội tức thời, nên công tác phòng ngừa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ các nạn nhân, sau đó thực hiện hành vi phạm tội tinh vi so với trước đây.

Một trường hợp cháu gái 16 tuổi (bên phải) bị bạo hành xảy ra tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, trong năm 2023.

Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Theo ông Nguyên, tình trạng trẻ bị xâm hại thời gian qua xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Thực tế cho thấy, có nhiều trẻ em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại; các em khi bị xâm hại, đa số đều có tâm lý sợ hãi, không tố giác kẻ phạm tội; còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả.

Cùng với đó, nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.

“Một số gia đình tập trung cho việc làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống, bị bạo lực, bị xâm hại”, ông Nguyên chia sẻ.

Theo Sở LĐ-TB&XH, để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em thì rất cần sự chung tay từ nhiều phía, và là sự tổng hợp của nhiều giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Đối với các bậc cha mẹ, cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết; trang bị cho trẻ em biết cách tự phòng vệ, chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn.

Đối với nhà trường, cần thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản cho học sinh. Hướng dẫn cho trẻ biết cách phản ứng trước những hành vi bị bạo lực, xâm hại. Cung cấp số điện thoại của các cơ quan chức năng để trẻ em, người thân của trẻ em có thể liên hệ khi bị tấn công bằng bạo lực hoặc bị xâm hại tình dục. Thầy, cô giáo cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung; lắng nghe và chia sẻ với học sinh.

Ngoài ra, trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo trẻ em bị xâm hại, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đưa trẻ em đi chữa trị và thực hiện giám định, nhằm phục vụ tốt công tác giải quyết vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.

Văn Đum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chung-tay-bao-ve-tre-a31991.html