Chung tay chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội

Trợ giúp xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Trong điều kiện hoàn cảnh một bộ phận nhân dân còn nghèo, còn sống dưới mức tối thiểu thì việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mà còn tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Với ý nghĩa như vậy, những năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm, huy động nguồn lực thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội (BTXH).

Điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 136/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, Quảng Ninh đã luôn quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng chính sách địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm giải quyết tốt nhất chính sách BTXH cho đối tượng theo quy định. Giai đoạn 2010-2016, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp tháng từ 180.000 đồng lên 300.000 đồng đối với đối tượng tại cộng đồng, lên 400.000 đồng đối với đối tượng trong các cơ sở BTXH. Từ tháng 1/2017 đến nay, mức trợ cấp tiếp tục được nâng lên mức 350.000 đồng/tháng đối với đối tượng tại cộng đồng và 500.000 đồng/tháng đối với đối tượng trong các cơ sở BTXH. Tỉnh quan tâm mở rộng đối tượng so với quy định chung của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 32.388 đối tượng BTXH, tăng 5.135 đối tượng so với năm 2014, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm người khuyết tật, hộ gia đình trực tiếp nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và người cao tuổi. 100% đối tượng BTXH được hỗ trợ mai táng phí, được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Cùng với nâng mức trợ cấp hằng tháng, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả trợ giúp xã hội đột xuất. Hằng năm, vào dịp giáp hạt, tỉnh rà soát, trợ cấp kịp thời đảm bảo người dân nói chung và đối tượng BTXH nói riêng không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lương thực cho gần 5.000 người với thời gian từ 1-3 tháng, trung bình 20kg gạo/người/tháng; hỗ trợ mai táng phí, người bị thương do thiên tai, hỏa hoạn với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ 528 nhà bị sập, đổ, hỏng nặng và phải di dời do bão lũ thiên tai với số tiền 6,5 tỷ đồng. Thêm vào đó, các hoạt động trợ giúp đối tượng yếu thế tại cộng đồng cũng được ngành LĐ-TB&XH, địa phương, tổ chức, đoàn thể dành nhiều sự quan tâm. Ngành LĐ-TB&XH và các địa phương phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, chăm sóc dài hạn, hỗ trợ đối tượng, hỗ trợ sinh kế... đối với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Đồng thời duy trì các hoạt động trợ giúp thường xuyên, đột xuất cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật theo quy định. Nhiều mô hình trợ giúp cộng đồng tiếp tục được thực hiện đa dạng, phong phú giúp các đối tượng BTXH tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội, như: Mô hình thí điểm cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mô hình hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...

Người già neo đơn, không nơi nương tựa được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Hiện Quảng Ninh cũng có 2 cơ sở BTXH chăm sóc và nuôi dưỡng tập trung khoảng 170 đối tượng BTXH là Cơ sở chăm sóc, bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TP Hạ Long) và Trung tâm Bảo trợ xã hội (TP Uông Bí). Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho đối tượng tại các trung tâm luôn được đặc biệt quan tâm với mức trợ cấp trung bình từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng và hưởng mức sinh hoạt phí bằng 10 tháng lương tối thiểu chung/người/năm. Ngoài những đối tượng được nuôi dưỡng thường xuyên, các cơ sở này còn chăm sóc, nuôi dưỡng ngắn hạn những đối tượng lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo quy định.

Nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho các đối tượng BTXH, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn các địa phương rà soát đối tượng tránh sai sót, để chi trả kịp thời, đúng thời gian, đúng chế độ, chính sách, trực tiếp đến tận tay đối tượng hoặc gia đình có đối tượng.

Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201812/chung-tay-cham-lo-doi-tuong-bao-tro-xa-hoi-2415490/