Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động

Xác định phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, tích cực tham gia kiểm tra, giám sát đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề về việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.

Nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động

Có dịp tham quan khu vực sản xuất của nhiều công ty, chứng kiến người lao động được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, mọi thao tác, hoạt động trong khi làm việc đều đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh lao động đã cho thấy ý thức chấp hành các điều kiện, quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được người lao động và người sử dụng lao động chấp hành nghiêm chỉnh.

Người lao động được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc

Người lao động được trang bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc

Đơn cử như tại Công ty TNHH Chế tạo động cơ Zongshen Việt Nam (KCN Quang Minh, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hải Nga, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, vấn đề an toàn vệ sinh lao động luôn được Công đoàn và Ban lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người lao động và tài sản vật chất của công ty. Định kỳ hằng năm, công nhân của công ty đều được các cán bộ của Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Ban Quản lý các KCN - CX Hà Nội) đào tạo chuyên sâu về an toàn vệ sinh lao động.

Ngoài ra, Công đoàn cũng thường xuyên phối hợp với chuyên môn tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ cho người lao động. Hàng ngày, đều đặn công ty có thông báo, nhắc nhở người lao động về việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ. Chính vì thế, trong suốt thời gian từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay chưa xảy ra sự cố tai nạn lao động nào nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, riêng năm 2018, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tham gia 70 đoàn kiểm tra, giám sát đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề về việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.

Công tác kiểm tra tập trung vào việc vận hành, quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động như: Thang máy, nồi hơi, nồi hấp, bồn chứa gas, kỹ thuật an toàn điện, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động…

Còn tại Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh LICOGI (Đông Anh, Hà Nội), người lao động của công ty cũng thường xuyên được tuyên truyền và chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, những năm qua, Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn đưa chương trình 5S của Nhật Bản với 5 tiêu chí (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng) vào áp dụng tại công ty.

Ngoài hình thức tuyên truyền cổ động, Công đoàn công ty còn thành lập ban kiểm tra thực hiện chương trình 5S và an toàn vệ sinh lao động hàng tháng của các đơn vị trong toàn công ty bằng hình thức chấm điểm, phân loại A, B, C và khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong tháng. Nhờ đó, năng suất lao động của người lao động trong công ty ngày càng nâng cao, vấn đề mất an toàn lao động đã không còn là nỗi lo của người lao động.

Anh Trần Văn Tiến, công nhân đang làm việc tại KCN Sài Đồng chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh lao động do Công đoàn tổ chức. Tại đó, chúng tôi được chuyên gia tư vấn các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động và giải đáp những thắc mắc liên quan đến các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Nếu bị tai nạn lao động, người chịu thiệt thòi trước tiên là người lao động sau đó là tổn hại cho doanh nghiệp. Vì vậy, người lao động chúng tôi luôn ý thức và tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn. Kiên quyết từ chối làm việc nếu nơi làm việc có các nguy cơ, sự cố mất an toàn vệ sinh lao động, đồng thời báo cáo cho phía người sử dụng lao động và cơ quan chức năng để xử lý nhằm tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp.”

Triển khai hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động tới tất cả các cấp Công đoàn. Theo đó, 100% cán bộ lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động của các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành và công cấp trên cơ sở đã được tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho hàng chục ngàn lượt cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động. Đồng thời, biên soạn, in ấn hàng vạn cuốn sách “Quy định về Kỹ thuật an toàn lao động đối với một số công việc, máy, thiết bị” phát cho các công đoàn cơ sở…

Cùng với việc tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, các cấp Công đoàn cũng triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, riêng năm 2018, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tham gia 70 đoàn kiểm tra, giám sát đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề về việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ. Công tác kiểm tra tập trung vào việc vận hành, quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động như: Thang máy, nồi hơi, nồi hấp, bồn chứa gas, kỹ thuật an toàn điện, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động…

Cạnh đó, các Công đoàn cấp trên cơ sở cũng chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thanh kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại cơ quan, doanh nghiệp... Qua đó, kịp thời phát hiện các thiếu sót, tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị doanh nghiệp, kiến nghị, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh khắc phục.

Với những nỗ lực của các cấp Công đoàn trong công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành các điều kiện, quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc của người lao động và người sử dụng lao động; từng bước đẩy lùi tai nạn lao động, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chung-tay-day-lui-tai-nan-lao-dong-94039.html