Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023, tọa đàm 'Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch' được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên & môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức vào chiều 13/4.

Tọa đàm là một phần của Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam", được thực hiện thí điểm tại một số khu, điểm du lịch tại một số địa phương.

Thực trạng đáng báo động

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết rác thải là vấn đề nan giải của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Mỗi năm chúng ta thải 3,1 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 1/3 đã ra biển. Nếu biển ô nhiễm bởi rác thải nhựa thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Nhựa là vật liệu tiêu hủy chậm, có khi mất hàng trăm năm. Nếu chôn vùi trong đất hỏng cấu trúc đất, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, ảnh hưởng quá trình sinh sản của nông nghiệp, ảnh hưởng đến cả động vật sử dụng thức ăn từ thực vật”.

Ông Bình cho biết thêm: “Du lịch là ngành phát sinh rác thải nhựa rất lớn. Đây không phải việc đơn giản nhưng với quyết tâm và vào cuộc của ngành, chúng tôi tin sẽ làm được trong thời gian sớm nhất. Dự án sẽ kéo dài 18 tháng và sẽ mang lại những kết quả cụ thể”.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh thuộc Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đưa ra thêm những con số đáng báo động về chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam:

“Năm 2019, lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày (~13 triệu tấn năm) chiếm khoảng 55% tổng lượng CTRSH phát sinh, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lên tới 12.000 tấn/ngày, chiếm 33,6% tổng lượng CTRSH đô thị. Lượng CTRSH phát sinh 2016-2020 tiếp tục gia tăng nhanh. Ước tính lượng CTRSH ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm”.

Ngoài ra, bà còn cung cấp thông tin tổng quan về chính sách pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một vài chính sách của nhà nước về quản lý chất thải rắn nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Kinh nghiệm tại địa phương

Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn tại TP. Hội An chia sẻ những kinh nghiệm và các phương pháp địa phương đã áp dụng để cải thiện vấn đề vẫn còn nhức nhối này.

Bà nói: “Để giải quyết vấn đề này thì chúng ta cần có sự hợp tác của các biên liên quan và tiến hành một hệ thống nhóm giải pháp. Điểm tiếp cận hệ du lịch ‘không rác thải’ của chúng tôi gồm có sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức phát triển và đặc biệt nhất là các tổ chức cung cấp giải pháp”.

Theo bà Hạnh, các tổ chức cung cấp giải pháp này được đặt tại chính cộng đồng, địa phương. Những tổ chức này sẽ giải quyết các vấn đề về tái chế ngay tại nguồn, rác thải du lịch được quản lý đến nơi đến chốn.

Sau 6 năm đưa vào hoạt động, Hội An đã tạo ra một hệ sinh thái, hỗ trợ cho việc quản lý rác thải cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là chúng tôi hình thành một tổ tư vấn tại địa phương. Những doanh nghiệp nào có nhu cầu sẽ được tư vấn ngay tại chỗ và triển khai ngay lập tức”.

Thêm vào đó, Hội An đang dần hình thành Mô hình 8T (tổ chức thực hiện-từ chối-tiết giảm-tái sử dụng-thay thế-phân loại để tái chế-truyền thông, tham gia mạng lưới-tạo sản phẩm, dịch vụ bền vững) để giảm thiểu lượng rác thải xả ra.

Bà Ánh nhấn mạnh: “Việc giảm thiểu rác thải, phân loại rác cần phải trở thành một nguyên tắc trong quá trình vận hành cơ sở kinh doanh đó. Vì đó là văn hóa doanh nghiệp.’

Đến từ Mai Châu, Hòa Bình, anh Giàng A La, chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Ngành du lịch địa phương càng ngày càng phát triển thì lượng rác thải cũng ngày càng tăng và nó khiến làm xấu đi hình ảnh thiên nhiên.

Tôi nghĩ, khi mình làm du lịch và muốn bảo vệ môi trường cùng người dân địa phương, mình cẩn đem lại lợi ích cho người dân địa phương, khiến họ nhận ra rằng du lịch phát triển, thì kinh tế của họ cũng đi lên. Từ đó. họ sẽ có mong muốn gìn giữ cảnh quan du lịch cho mình.

Tôi nảy ra ý tưởng thiết kế một tour du lịch có sự gắn kết với nông nghiệp, nông thôn. Mô hình này sẽ dẫn khách du lịch đi trải nghiệm quanh bản, mỗi hộ gia đình tạo nên được một sản phẩm, nông nghiệp, thủ công hay đồ thổ cẩm.

Cứ mỗi tour quanh bản như thế tạo ra giá trị lợi ích cho cả du lịch và kinh tế của người dân, hơn thế nữa, hoạt động này cũng vừa bảo vệ được cho môi trường thiên nhiên”.

Nêu ý kiến về vấn đề rác thải nhựa trong du lịch, ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group, cũng cho rằng chính quyền địa phương là một bộ phận vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cũng như giảm tải rác thải nhựa.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình bày tỏ: “Trước tiên, những người làm du lịch phải cố gắng, làm tấm gương để họ nhìn vào mình học tập. Chúng ta làm một mình chắc chắn không được nhưng nếu chúng ta không làm thì không ai ủng hộ. Vì vậy mình hãy cứ làm trước, rồi chính quyền sẽ ủng hộ, nhân dân cũng sẽ nhìn theo.

Trong quá trình thực hiện chúng tôi đề ra một số giải pháp như vận động chính quyền, quản lý điểm đến vào cuộc, rà soát điểm đến rồi nêu gương hay bêu tên...”.

Ông Bình cũng đề ra phương án tạo apps quản lý rác thải nhựa với mục tiêu tích hợp các thông tin về chính sách, công cụ phục vụ quản lý rác thải nhựa trong doanh nghiệp. Các thành viên sử dụng sẽ được cập nhật thông tin và các tài liệu, số liệu của cơ sở doanh nghiệp của họ trên apps để dễ dàng kiểm soát và quản lý lượng rác thải.

Thu Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chung-tay-giam-thieu-rac-thai-nhua-trong-nganh-du-lich-223488.html