Chung tay giữ vững đường biên, cột mốc quốc gia

Những năm qua, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo vệ đường biên, cột mốc trên tinh thần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với Nhân dân 2 bản Ka Tăng và Densavanh (Lào)tuần tra bảo vệ mốc quốc giới - Ảnh: PHƯỚC TRUNG

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, địa phương có chung đường biên giới với 3 huyện của nước bạn Lào gồm Sê Pôn, Mường Noòng (Savanakhet) và Sa Muội (Salavan), với tổng đường biên dài 156 km đi qua 13 xã, thị trấn. Những năm qua, “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới, gắn với việc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã phát triển sâu rộng, đặc biệt là mô hình kết nghĩa “bản - bản” giữa các cặp bản đối diện hai bên biên giới đã phát huy mạnh mẽ công tác tự quản đường biên, cột mốc. Qua đó, khẳng định rõ vai trò, vị trí to lớn của quần chúng là chủ thể trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có 20 cặp bản đối diện kết nghĩa bao gồm Tà Păng-Tà Poọng, Cù Bai-Cóc, Rạc (Hướng Lập-Cụm bản Pha Băng); Ka Tiêng-A Via (Hướng Việt-Cụm bản La Cồ); Chênh Vênh-Xà Đu Phường, Cheng-Bản Mày (Hướng Phùng-Cụm bản Mày Văn Lực); Ka Túp-Ka Túp 2, Ka Tăng-Densavanh (Lao Bảo-Cụm Ka Túp Mã Hạt); Bích La Đông-Mỹ Yên Thượng (Tân Thành-Sê Pôn); Cổ Thành-Ka Túp 1 (Tân Thành-Cụm Ka Túp Mã Hạt); Duy Tân- Cụm Bản Phường (Lao Bảo-Sê Pôn); Long Thành-Húc (Tân Long-Cụm Ka Túp Mỹ Yên); Bản 5-Ra Leng, Bản 7-Cheng (Thuận-Cụm Ka Túp Mỹ Yên); A Ho- Đen Vi Lay, Thanh 1-Pa Riềng, Pa Lọ Ô-Pa Lọ Cô (Thanh-Cụm Đen Vy Lay); Xi Rô Man-Ổi (Xy-Cụm Đen Vi Lay); Xa Tuông-Sê, Trùm-A Dông, Loa-Rạ (Ba Tầng-Sa Muồi).

Huyện Đakrông có 5 cặp bản đối diện kết nghĩa bản-bản gồm Cốc-A Xóc, Ngược-Tà Riệp (Ba Nang - Cụm III); Ro Ró 1-Ro Ró (A Vao-Cụm II); La Lay-La Lay (A Ngo-Cụm II); Pire2-Cu Tài (A Bung-Sa Muồi).

Thông qua kết nghĩa bản-bản, đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là Nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, phát huy sức mạnh quần chúng trong quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới - Ảnh: Q.HIỆP

Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Thị Ven cho biết, những năm qua cư dân hai bên biên giới tại địa phương làm rất tốt công tác tự quản đường biên, cột mốc. Tại cặp bản đối diện Tà Păng-Tà Poọng, thông qua việc kết nghĩa, đã phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cư dân hai bản được 110 đợt, với 6.020 lượt đồng bào về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, việc chấp hành các quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam-Lào; các quy định của pháp luật của mỗi nước về lấy vợ, lấy chồng hai bên biên giới; tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới.

Cấp ủy, chính quyền địa phương hai bên đã lãnh đạo, chỉ đạo hai bản tổ chức 34 đợt, với 1.324 lượt Nhân dân tham gia cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Qua thực hiện các nội dung kết nghĩa đã góp phần phòng, chống xuất nhập cảnh, xuất nhập biên trái phép, buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới, khai thác lâm, thổ sản trái phép, săn bắt thú rừng quý hiếm. Bên cạnh đó, hạn chế được tình trạng xâm canh, xâm cư. Đặc biệt, đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân...

Đánh giá về vai trò của chính quyền địa phương và Nhân dân trong công tác tự quản đường biên, cột mốc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Ngô Xuân Thường cho biết, đã có 58/58 (100%) thôn bản giáp biên giới ký “cam kết tự quản đường biên, cột mốc”, 111 thôn bản “cam kết tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới” với hơn 9.866 hộ đăng ký cam kết. Bên cạnh đó, các địa phương đã trao quyết định giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình canh tác, bảo vệ dọc đường biên.

Đến nay, đã có 127 tổ tự quản an ninh trật tự, với 812 thành viên; 1.025 hộ đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc với chiều dài 178,129 km đường biên, 72 cột mốc, 7 cọc dấu phụ. Nhân dân tích cực tham gia với lực lượng chuyên trách của mỗi bên tổ chức 238 đợt/2.076 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cung cấp 6.314 nguồn tin, trong đó có 2.843 nguồn tin có giá trị liên quan đến bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, buôn bán phụ nữ qua biên giới, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân...

Mở đường tuần tra đường biên, cột mốc - Ảnh: QUANG HIỆP

Quá trình thực hiện phong trào cho thấy nhận thức về biên giới và chủ quyền biên giới quốc gia của Nhân dân hai bên được nâng lên. Người dân khi hoạt động, lao động sản xuất trên khu vực tiếp giáp đường biên giới đã nhận biết được các dấu hiệu về đường biên, cột mốc trong phạm vi đất canh tác của gia đình, thôn bản mình, để tránh các vi phạm pháp luật về biên giới.

Đồng thời, đề cao được vai trò, trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, phát huy được vai trò của già làng, trưởng thôn bản, người đứng đầu dòng họ trong vận động thực hiện quy chế, cam kết tự quản. Nhờ vậy, công tác nắm tình hình, phát hiện vụ việc được nhanh chóng hơn, các vi phạm pháp luật về biên giới được Nhân dân phát hiện, thông tin sớm cho lực lượng chức năng, kịp thời xử lý, ngăn chặn; công tác tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới được đồng bộ với chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170092&title=chung-tay-giu-vung-duong-bien-cot-moc-quoc-gia